Ngày 3 tháng 10 năm 2008, Diễn đàn đối tác pháp luật đã được Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức tại Hà Nội. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đến dự và phát biểu Khai mạc Hội nghị.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chào mừng sự có mặt của tất cả các vị khách quốc tế và Việt Nam tại Hội nghị, đồng thời cám ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Trong Bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Bộ trưởng cũng đề cập đến những thách thức đặt ra với Việt Nam - một đất nước đang trong quá trình hội nhập, chịu ảnh hưởng của những biến chuyển không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực - và khẳng định tính cấp thiết của những quyết tâm, nỗ lực và giải pháp đồng bộ của Chính phủ Việt Nam nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010. Bộ trưởng nhấn mạnh đến những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng hợp lý và bền vững. Đây là các giải pháp đồng bộ mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai thực hiện quyết liệt và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực: 6 tháng đầu năm 2008 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại; xuất khẩu tăng cao và nhập siêu được thu hẹp khá nhanh; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục; thị trường chứng khoán đã có bước phục hồi; tỷ giá được vận hành linh hoạt, trong tầm kiểm soát và đã khá ổn định; cán cân thanh toán tổng thể được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ được bảo toàn và có tăng thêm; chính trị, xã hội của Việt Nam tiếp tục ổn định và vững chắc....
Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển kinh tế, đạt mục tiêu công bằng xã hội, thì một trong những công cụ và điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. Bộ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp về pháp luật và tư pháp đang được triển khai đồng bộ theo tinh thần của các Nghị quyết số 48/TW - NQ về Chiến lược phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010, định hướng tới năm 2020 (Chiến lược pháp luật) và 49/TW-NQ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Chiến lược tư pháp). Bộ trưởng chia sẻ những thành tựu lớn về xây dựng thể chế cũng như hoàn thiện các thiết chế thi hành pháp luật của Việt Nam trong thời gian gần đây. Về hoàn thiện thể chế, Nhà nước Việt Nam đã và đang tập trung xem xét, ban hành một số lượng lớn các đạo luật quan trọng phục vụ xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… Bên cạnh đó, Đề án tổng rà soát hệ thống văn bản QPPL từ năm 1976 đến nay sẽ được triển khai, nhằm tiến tới năm 2011 Việt Nam sẽ có được một hệ thống pháp luật minh bạch và đồng bộ hơn. Trong lĩnh vực cải cách tư pháp, nhiều đề án quan trọng đang được tích cực xây dựng như Đề án thành lập Toà án sơ thẩm khu vực, Toà án phúc thẩm, Toà án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân tối cao; Đề án chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành Viện Công tố; Đề án xây dựng cơ chế bảo hiến; Đề án thống nhất thi hành án dân sự và hình sự... Bên cạnh việc xây dựng các Đề án trên, việc tăng thẩm quyền cho các Toà án nhân dân cấp huyện cũng được chuẩn bị và triển khai ngay sau khi Bộ luật tố tụng hình sự 2003 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được thông qua. Dự kiến tới năm 2009, tất cả các Tòa án nhân dân cấp huyện của Việt Nam sẽ được tăng thẩm quyền đầy đủ. Việc xã hội hóa các hoạt động công chứng đã được triển khai và thể hiện rõ nét ở sự ra đời của một số lượng lớn các Văn phòng công chứng, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc loại hình công ty hợp danh tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa bàn khác...Về phát triển đội ngũ luật sư, Bộ trưởng nhấn mạnh đến các đề án lớn như Đề án Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 theo yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW (dự kiến trong năm 2008 đề án này sẽ được hoàn thành) và Đề án thành lập Tổ chức luật sư toàn quốc (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 01/2008). Hội đồng lâm thời Tổ chức luật sư toàn quốc cũng đã ra mắt và hiện đang tích cực chuẩn bị Đại hội thành lập tổ chức luật sư toàn quốc.
Với những thành tựu đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam đang là một nền kinh tế thị trường năng động có nhiều triển vọng phát triển, dành được sự quan tâm cao của các nhà tài trợ. Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao số lượng 139 Dự án, chương trình hợp tác với nước ngoài về pháp luật đã và đang được triển khai từ năm 1995 đến nay tại hơn 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội. Hoạt động hợp tác quốc tế với nước ngoài về pháp luật đã đóng góp tích cực vào các lĩnh vực xây dựng thể chế; tăng cường năng lực thiết chế, đào tạo cán bộ pháp luật, công tác thông tin pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Về Chương trình nghị sự của Diễn đàn đối tác pháp luật, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận về ba nội dung chính trong chương trình nghị sự như 1) Tổng quan tình hình hợp tác giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong việc hỗ trợ thực thi Chiến lược Xây dựng Hệ thống Pháp luật và Chiến lược Cải cách Tư pháp: những thành tựu đã đạt được cũng như định hướng hoàn thiện trong tương lai; 2) Vai trò của cải cách tư pháp và hướng tiếp cận liên ngành trong lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và; 3) Nâng cao khả năng tiếp cận công lý cho người dân: thực trạng và định hướng phát triển.
Bộ trưởng khẳng định, cho đến nay các hoạt động hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và cộng đồng quốc tế đều được thiết kế và thực hiện trên cơ sở những định hướng chính của Chiến lược pháp luật và tư pháp. Các mục tiêu chính của các Dự án, chương trình hợp tác pháp luật đều được đảm bảo thực hiện với chất lượng cao, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, cán bộ thụ hưởng về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và những định hướng lớn về cải cách pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng kiến nghị trong thời gian tới, các dự án, chương trình hợp tác pháp luật sẽ tiếp tục lấy các nguyên tắc định hướng như xây dựng nhà nước pháp quyền, tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho người nghèo, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền trung ương và địa phương trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật để thiết kế các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác.
Bộ trưởng cho rằng, việc hoạch định và thực thi Chiến lược là công việc đầy khó khăn và thách thức mà ngoài sự quyết tâm về chính trị còn đòi hỏi phải có sự nhận thức đầy đủ, đầu tư lớn về thời gian, công sức và tài chính. Tuy nhiên có điều rất thuận lợi là cùng với những cố gắng phát huy nội lực của Việt Nam, thì cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam. Kết thúc bài phát biểu của mình, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những tình cảm, sự hỗ trợ và hợp tác quý báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chương trình, dự án trợ giúp quốc tế trong lĩnh vực pháp luật để có được nguồn lực tổng hợp giữa nội lực và nguồn lực quốc tế nhằm phát triển toàn diện cải cách pháp luật và tư pháp, góp phần để Việt Nam phát triển một cách toàn diện và vững chắc, hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp