Tọa đàm về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Nghị định 93/2008/NĐ-CP

02/10/2008
Từ sáng 1/10, Viện Khoa học pháp lý đã tổ chức cuộc toạ đàm 2 ngày nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 93/2008/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đã được Chính phủ ban hành ngày 22/8/2008. Trong ngày khai mạc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ yếu tập trung thảo luận chức năng, nhiệm vụ của Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (CVĐCVXDPL) - một đơn vị được thành lập mới theo Nghị định số 93.

Theo dự kiến của Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ CVĐCVXDPL có chức năng là “tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng chương trình xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật và pháp chế bộ ngành, doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật”. Để hoàn thành được chức năng này, Vụ sẽ 5 nhiệm vụ, quyền hạn chính sau: Xây dựng dự thảo chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; Lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nghị định; Quản lý công tác pháp chế của các bộ ngành, bao gồm cả quản lý Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp (CLBPCDN) và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Thực hiện công tác pháp chế của chính Bộ Tư pháp; Theo dõi thi hành pháp luật.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ cơ bản đồng tình với những đề xuất nêu trên của Vụ Tổ chức cán bộ nhưng ông cho rằng, trước mắt chưa nên giao cho Vụ CVĐCVXDPL việc quản lý CLBPCDN. Bởi CLB chỉ là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đóng vai trò “cầu nối” giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp. Trong khi đó, Vụ CVĐCVXDPL phải được cơ cấu, tổ chức để có thể hoạt động ở tầm vĩ mô, toàn quốc và liên ngành, chứ không thể “chạy theo” tư vấn, giải đáp những thắc mắc, bức xúc hàng ngày của doanh nghiệp.

Tán thành ý kiến của ông Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tịnh phân tích, mặc dù có một số ưu thế nhất định, song nếu chuyển giao nhiệm vụ quản lý CLB cho Vụ CVĐCVXDPL thì sẽ không có được sự gắn kết chặt chẽ của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế - đơn vị phụ trách mảng pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của CLB. Điều đó vừa dẫn tới không chủ động huy động chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật dân sự, kinh tế vừa đòi hỏi Vụ CVĐCVXDPL phải bố trí thêm nhân sự là các chuyên gia về pháp luật kinh tế để phụ trách công việc. Ông Tịnh còn  lưu ý, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước mà đây là một hoạt động liên quan mật thiết đến xây dựng pháp luật dân sự, kinh tế. Vì vậy, cần tính toán, cân nhắc thêm nếu giao cả nhiệm vụ này cho Vụ CVĐCVXDPL.

Theo dõi thi hành pháp luật là một chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn mới và có thể nói là hết sức nặng nề được đặt lên vai Bộ Tư pháp. Cho nên, đây là một nội dung được đại diện các đơn vị rất quan tâm đóng góp với mong muốn làm rõ nội hàm, mục đích, phạm vi của theo dõi thi hành pháp luật để Bộ Tư pháp gánh vác tốt trách nhiệm đã được giao phó. Theo Nghị định số 93, nội dung cơ bản của công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật gồm theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước và hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND cấp tỉnh trong công tác theo dõi, đánh giá, báo cáo về tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Huệ, thi hành pháp luật là hướng dẫn các văn bản pháp luật được ban hành và áp dụng các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công việc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vấn đề quan trọng là phải khẳng định được chủ trương rằng Bộ Tư pháp không làm thay các bộ, ngành mà chỉ nghiên cứu, đề xuất chiến lược đối với công tác này. Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật Đỗ Hoàng Yến thì hướng phạm vi “theo dõi chung tình hình thi hành pháp luật” vào 4 khía cạnh: theo dõi chung việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành, theo dõi chung việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, theo dõi chung về hiệu quả thi hành của các văn bản trên thực tế và theo dõi chung về tính tương thích, đồng bộ của các văn bản. Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lê Thành Long nhấn mạnh, trong việc thực hiện điều ước quốc tế (được coi là một hệ thống pháp luật độc lập với pháp luật trong nước), Bộ Tư pháp lại không có nhiệm vụ điều phối và theo dõi tình hình thực hiện như Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, trong thực tiễn lâu nay Bộ Tư pháp vẫn được mời tham gia và chủ trì việc rà soát văn bản pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế, điển hình là việc rà soát theo WTO và Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Bởi thế, thời gian tới, Bộ Tư pháp có thể chọn theo dõi một công đoạn thực hiện điều ước quốc tế theo chiều “cắt ngang” (rà soát pháp luật trong nước) hoặc theo ngành dọc (mảng tư pháp hình sự).

Hoàng Thư

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng: Để đảm bảo các điều kiện hoạt động cho Vụ CVĐCVXDPL, cần ưu tiên lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm. Trước hết, có thể điều chuyển cán bộ từ các vụ xây dựng pháp luật liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung để làm nòng cốt triển khai thực hiện nhiệm vụ mới. Ngay sau khi thành lập Vụ CVĐCVXDPL (trong năm 2008) phải bảo đảm ít nhất có 12 – 15 biên chế, còn những năm tiếp theo sẽ tiếp nhận cán bộ từ các cơ quan khác và tuyển dụng mới. Riêng về cơ chế, phải xác định rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa Vụ CVĐCVXDPL với các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung như xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, quản lý công tác pháp chế bộ ngành.