Triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ-CP: Nâng tầm, mở rộng chức năng cho một số đơn vị

03/10/2008
Cùng với cuộc toạ đàm ngay đầu tháng 10, Viện Khoa học pháp lý tiếp tục tổ chức một toạ đàm nữa để thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp nhằm triển khai Nghị định số 93/2008/NĐ-CP. Theo đó, sẽ không còn Văn phòng II và Trung tâm Tin học mà được lập thành Cơ quan đại diện tại TP.HCM và Cục Công nghệ thông tin.

Cần thu hẹp địa bàn hoạt động của Cơ quan đại diện 

            Theo dự kiến của Vụ Tổ chức cán bộ, Cơ quan đại diện tại TP.HCM có các chức năng như tham mưu, giúp Bộ trưởng theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp; đại diện cho Bộ Tư pháp trong phạm vi được Bộ trưởng uỷ quyền; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra công tác tư pháp và đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ các hoạt động theo chương trình công tác của Bộ tại các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào. Cơ quan đại diện có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng tại kho bạc nhà nước. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng nhấn mạnh, Cơ quan đại diện không được giao quản lý nhà nước về một lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể nào và phương thức hoạt động chủ yếu là thông qua cơ chế hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ khác.

            Lãnh đạo các đơn vị đều tán thành về sự cần thiết phải thành lập Cơ quan đại diện bởi bộ phần thường trực tại các tỉnh phía Nam với vị trí chỉ là Văn phòng II trực thuộc Văn phòng Bộ chưa thể đáp ứng hết những yêu cầu đặt ra. Nhưng, đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Con nuôi quốc tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu lên khá nhiều băn khoăn. Chẳng hạn, các văn bản, giấy tờ được các tỉnh phía Nam gửi về Cơ quan đại diện thì có phải gửi lên tiếp cho Bộ không, kết quả báo cáo đánh giá tổng hợp của Cơ quan đại diện gửi Văn phòng Bộ có giá trị như thế nào, Cơ quan đại diện sẽ tham mưu việc gì và phối hợp việc gì, các đơn vị thuộc Bộ có thể giao việc cho Cơ quan đại diện hay không…

           Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính khẳng định, Cơ quan đại diện là “cánh tay nối dài”, giúp Bộ quản lý địa bàn phía Nam. Vì vậy, phải xác định rõ loại việc nào (như công tác thi đua – khen thưởng, thanh tra, đối ngoại) có thể giao cho Cơ quan đại diện phụ trách thường xuyên để phát huy hiệu quả. Thứ trưởng Chính cùng Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền nhất trí, trước mắt chưa nên mở rộng địa bàn hoạt động của Cơ quan đại diện, nghĩa là phạm vi của Cơ quan đại diện sẽ thu hẹp từ tỉnh Ninh Thuận trở vào. Thứ trưởng Hiền cân nhắc, tư cách pháp nhân của Cơ quan đại diện cần tính cho kỹ khi mà mọi hoạt động của đơn vị này sẽ do Bộ chịu trách nhiệm trực tiếp. 

Cục Công nghệ thông tin sẽ có chức năng quản lý

           Vụ Tổ chức cán bộ đánh giá, Trung tâm Tin học được thành lập theo Nghị định số 62/2003/NĐ-CP là đơn vị sự nghiệp, chủ yếu đảm nhận thực thi các hoạt động ứng dụng chứ chưa thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, Vụ đề xuất 2 chức năng chính của Cục Công nghệ thông tin là tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; tổ chức thực hiện việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cũng cần thấy rõ rằng xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin không phải là lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành về Tư pháp. 

           Là ba trong số các đơn vị thuộc Bộ có mối quan hệ phối hợp khá chặt chẽ với Trung tâm Tin học, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Thi hành án dân số và Vụ Hành chính tư pháp cho rằng, việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Công nghệ thông tin phải bảo đảm hài hoà, thống nhất với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ có chức năng quản lý, xây dựng và khai thác thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Nói cách khác, Cục Công nghệ thông tin không trực tiếp xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không trực tiếp tổ chức và thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành, mà chỉ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị trong việc triển khai các dự án tin học liên quan đến từng dữ liệu thông tin chuyên ngành.

Hoàng Thư