Ngày 23/8/2008, tại Hà Nội, Học viện Tư pháp (cơ quan của Bộ Tư pháp) sẽ tổ chức lễ Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Qua 10 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Tư pháp (HVTP) đã không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức cán bộ, qui mô, phạm vi và chất lượng đào tạo…, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các cơ quan tư pháp Việt Nam.
Thủa ban sơ của Học viện là Khoa đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán và sau đại học (thuộc trường Đại học Luật Hà Nội). 4 năm sau, với đội ngũ giảng viên Đại học Luật Hà Nội được đào tạo về thẩm phán tại Pháp, Bộ Tư pháp thành lập Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng thẩm phán nhằm chuẩn hoá trình độ cho các thẩm phán theo Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhận dân (1993), đồng thời chuẩn bị lực lượng cho việc thành lập Trường Đào tạo thẩm phán và các chức danh tư pháp (CDTP) khác sau đó.
Trong thời gian này, công tác đào tạo các CDTP chưa thống nhất vào một mối. Những ngày đầu với qui mô nhỏ, gồm 2 khoa (đào tạo và bồi dưỡng), 4 phòng chức năng, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chỉ có 5 giảng viên (trong tổng số 16 biên chế) nhưng trường đã mang trên mình nhiệm vụ lớn trước yêu cầu đào tạo nguồn các CDTP. Nhưng suốt 6 năm (1998 – 2004), do còn nhiều bỡ ngỡ, phải từng bước xác định “hướng đi” và đối mặt với những thách thức vượt xa qui mô của mình, Trường chỉ đào tạo được trên 4.000 học viên các CDTP, chủ yếu là thẩm phán và luật sư.
Trước nhu cầu về các CDTP không ngừng gia tăng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đặc biệt là yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp (CCTP), Bộ Chính trị đã có chủ trương “thống nhất đầu mối đào tạo nghề nghiệp cho các cán bộ có CDTP”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với TANDTC, VKSNDTC và các cơ quan khác xây dựng đề án thành lập HVTP. Sau khi đề án được phê duyệt, ngày 25/2/2004, trường Đào tạo thẩm phán và các CDTP khác đã được nâng cấp thành Học viện. Từ đó, Học viện đã bước sang giai đoạn trưởng thành với vị thế, nhiệm vụ lớn lao hơn, cùng gánh nặng trách nhiệm “cung cấp” đội ngũ cán bộ có CDTP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp thời kỳ mới.
Vượt qua những gập ghềnh, thách thức, giờ đây, HVTP như chàng “Thánh Gióng” đầy tự tin với qui mô và chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện. Học viện đã mở rộng qui mô đào tạo cả 5 CDTP: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các CDTP khác. Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu (59 người, trong đó 32% từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên) đã trưởng thành về nhiều mặt, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên kiêm chức hùng hậu (285 người). Đây là những người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn ở các cơ quan tư pháp trong và ngoài nước, cùng các chuyên gia pháp luật đầu ngành. Đội ngũ giảng viên này đã có đóng góp quan trọng và đem lại những đặc thù trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của HVTP – một cơ sở đào tạo cán bộ có CDTP.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện đã nhất quán áp dụng phương pháp đào tạo tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học viên. Ngoài ra, HVTP còn áp dụng các phương pháp khác như thực hành nghề luật; thực hiện song giảng giữa giáo viên lý thuyết và giáo viên thực hành trong cùng một bài giảng; đi thực tế tại các cơ quan tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư…
Nhờ đó, theo đánh giá chung của các cơ quan sử dụng cán bộ từng là học viên của HVTP, công tác đào tạo của Học viện về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu về chất lượng so với mục tiêu đề ra. Học viên khi ra hành nghề đã phát huy tốt kiến thức, kinh nghiệm đã tích luỹ được trong quá trình đào tạo, tác nghiệp khá chính qui, bài bản, có phương pháp làm việc khoa học, rút ngắn được thời gian làm quen với công việc, tự tin khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Từ năm 1998 đến nay, 15.474 học viên đã tốt nghiệp các khoá đào tạo tại Học viện và hiện có gần 3.000 học viện đang theo các khoá đào tạo các CDTP. Bên cạnh đó, Học viện cũng tổ chức được các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 10.180 lượt cán bộ có CDTP và bổ trợ tư pháp.
Tích cực học hỏi để thu thập thêm nhiều kinh nghiệm, Học viện đã không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế. Với vị thế một Học viện đào tạo các CDTP, HVTP được rất nhiều đối tác nước ngoài (cả Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các trường Đại học) quan tâm, hợp tác và giúp đỡ nhiều mặt. Ngược lại, Học viện cũng đã cử 03 đoàn chuyên gia giúp trường đào tạo tư pháp Cộng hoà DCND Lào trong việc xây dựng chương trình, đào tạo giáo viên…
Hiện nay, với chủ trương xã hội hoá công tác giáo dục, đào tạo, đang và sẽ có nhiều cơ sở đào tạo các CDTP. Vì vậy, HVTP không thể cứ mãi là cơ sở đào tạo đơn thuần mà phải khẳng định được vị thế, vai trò định hướng cho công tác đào tạo các CDTP trên cả nước. Đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhất là sau khi Đề án “Xây dựng HVTP thành trung tâm lớn đào tạo các CDTP” được phê duyệt. Khi đó, với qui mô và tư cách là một “trung tâm lớn đào tạo các CDTP” của cả nước, HVTP sẽ đào tạo ra những cán bộ có CDTP “đủ tài, đủ đức”, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động cho các cơ quan tư pháp.
Ngoài ra, để hội nhập thành công đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, công chức (bao gồm cả các CDTP) giỏi về kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, NQ 49 chỉ đạo: “Đào tạo đủ số lượng cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực tư pháp quốc tế”. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giao đoạn 2003 – 2010 cũng xác định rõ mục tiêu cho hệ thống đào tạo các CDTP là phải đào tạo được tối thiểu 22.290 cán bộ có CDTP (gồm 4.000 thẩm phán, 900 chấp hành viên, 300 công chứng viên, 90 trọng tài viên, 17.000 luật sư) và bồi dưỡng cho tối thiểu 26.310 lượt cán bộ tư pháp (cán bộ tham gia xét xử, chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, trọng tài viên). Đây trở thành một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà HVTP phải thực hiện trong giai đoạn mới.
10 năm – một chặng đường chưa phải là dài nhưng đầy ý nghĩa đối với một cơ sở đào tạo nguồn cho các cơ quan tư pháp như HVTP. Những năm tháng qua đã cho thấy những tiềm lực và khát vọng của HVTP trên con đường thực hiện nhiệm vụ chính trị: đào tạo ra những cán bộ có CDTP cho công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta./.
Hương Giang