Triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới TGPL: Tổ chuyển gia liên ngành giúp xây dựng kế hoạch

18/08/2008
Ngày 23/6/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015” bằng Quyết định số 792/QĐ-TTg. Nhằm đưa ra được các biện pháp có hiệu quả, lộ trình thích hợp, xác định cụ thể các công việc cần tiến hành và trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện Đề án Quy hoạch, Tổ chuyên gia liên ngành có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai.

Một trong những biện pháp đầu tiên được thực hiện để triển khai Đề án Quy hoạch là Bộ Tư pháp gửi Công văn đề nghị các Bộ, ngành liên quan cử người tham gia Tổ chuyên gia liên ngành. Thành phần dự kiến của Tổ chuyên gia liên ngành gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban dân tộc. Tổ chuyên gia liên ngành có 3 nhiệm vụ quan trọng sau: Nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch trong phạm vi toàn quốc; Tham gia các đợt công tác liên ngành do Bộ Tư pháp tổ chức để đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tại các Bộ, ngành có liên quan và tại các địa phương; Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch thuộc phạm vi trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cục TGPL (Bộ Tư pháp) sẽ là đơn vị đứng ra tổ chức các cuộc họp Tổ chuyên gia nhằm trao đổi, thảo luận, thống nhất các nội dung cơ bản và chủ yếu của Kế hoạch, xác định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến đóng góp bằng văn bản và trong các buổi họp nhóm của các thành viên Tổ chuyên gia, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện dự thảo Kế hoạch và thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã soạn thảo xong Dự thảo Kế hoạch với khoảng 10 đầu việc cần tiến hành như ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL; khảo sát, đánh giá dự báo nhu cầu TGPL; kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm, Chi nhánh và khuyến khích, huy động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội tham gia TGPL; phát triển mạng lưới và tăng cường năng lực người thực hiện TGPL; kiểm tra, đánh giá chất lượng TGPL; bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL; tăng cường truyền thông, thông tin về TGPL; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động TGPL… Riêng đối với hoạt động kiểm tra và đánh giá chất lượng TGPL, Bộ Tư pháp dự kiến phối hợp với Tổ chuyên gia liên ngành cùng các Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh để tổ chức kiểm tra, đánh giá về nguồn lực bố trí cho công tác TGPL, về tình hình triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, về việc thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Dự án, thậm chí sẽ kiểm tra, đánh giá đột xuất theo thẩm quyền.

 Dự thảo Kế hoạch cũng phân công rõ ràng trách nhiệm của Cục TGPL và Sở Tư pháp. Theo đó, Cục TGPL là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch sẽ được ban hành. Còn Sở Tư pháp là đầu mối giúp UBND cấp tỉnh thường xuyên đôn đốc các tổ chức thực hiện TGPL ở địa phương làm tốt chế độ báo cáo, thống kê về TGPL cũng như kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập hoặc những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn thi hành Luật TGPL và triển khai Đề án Quy hoạch. Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Sở chuẩn bị cho UBND cấp tỉnh đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Đề án Quy hoạch để Chủ tịch UBND cấp tỉnh ký và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cẩm Vân