Triển khai Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 900/UBTVQH11 ngày 21/3/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 9/1/2008, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Đề án Tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam. Đến nay, qua đầu mối là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã nhận được các ý kiến góp ý từ 22 Bộ, ngành và 40 địa phương. Tổng hợp các đóng góp cho thấy, vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu thêm để hoàn thiện Dự thảo.
Không rà soát các điều ước quốc tế và VB có chứa QPPL
Về đối tượng, phạm vi của Dự thảo Đề án, bà Mạc Thị Hoa – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL cho biết, việc tổng rà soát được tiến hành trong cả nước theo trình tự từ VBQPPL do Quốc hội ban hành đến các VB do HĐND, UBND cấp xã bao gồm VBQPPL do các cơ quan có thẩm quyền ban hành từ ngày 2/7/1976 – 31/12/2008, các VB có hiệu lực trên toàn quốc đã được công bố theo Nghị quyết số 76-CP ngày 25/3/1977; VB có chứa QPPL nhưng không được ban hành bằng hình thức VBQPPLvà VB do cơ quan không có thẩm quyền ban hành cũng trong thời điểm từ 2/7/1976 – 31/12/2008; các điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam ký kết và gia nhập.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ NN&PTNT, Luật Ban hành VBQPPL không quy định phải tiến hành rà soát, hệ thống hoá VBQPPL với rà soát, đối chiếu ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Hơn nữa, đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi trước hết phải thực hiện xong Đề án này mới xây dựng một đề án mới nhằm tổng rà soát, hệ thống hoá các ĐƯQT. Nhất trí với ý kiến trên, ông Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cung cấp, quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 71 về rà soát VB phục vụ hội nhập. Nếu Dự thảo Đề án vẫn quy định đưa ĐƯQT vào đối tượng, phạm vi rà soát thì nên giao nhiệm vụ đó cho Bộ Ngoại giao.
Một số Bộ, địa phương như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Khánh Hoà đề xuất cần cân nhắc việc rà soát đối với những VB có chứa QPPL vì đối tượng VB này rất rộng, triển khai rà soát sẽ khó khăn. Ngoài ra, nhiều ý kiến băn khoăn, thời điểm rà soát dừng ở những VB ban hành tới ngày 31/12/2008 trong khi thời điểm công bố kết quả cuối cùng của tổng rà soát lại vào năm 2015 thì có phải là bỏ ngỏ những VB ban hành sau ngày 31/12/2008.
Tại buổi làm việc báo cáo với lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đồng tình là không rà soát các ĐƯQT và các công văn giấy tờ và cho rằng đối với Nghị quyết của Quốc hội chỉ rà soát những Nghị quyết có chứa QPPL như Nghị quyết 388, Nghị quyết về nhà ở… Bộ trưởng còn chỉ đạo, thời điểm rà soát VB cuối cùng cần gắn với thời điểm dự kiến kết thúc công việc, công bố kết quả tổng rà soát, chứ không phải dừng ở ngày 31/12/2008.
Rút ngắn lộ trình thực hiện
Cũng theo bà Hoa, Dự thảo Đề án chia lộ trình thực hiện tổng rà soát thành 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 từ năm 2009 - 2011 sẽ rà soát, hệ thống hoá các VBQPPL của các cơ quan nhà nước ở TƯ. Giai đoạn 2 từ năm 2012 – 2014 thực hiện rà soát, hệ thống hoá các VBQPPL của HĐND, UBND. Trong năm 2015 - giai đoạn 3 - sẽ cập nhật, tổng hợp, chỉnh lý số liệu, tổng kết đợt rà soát và công bố kết quả cuối cùng.
Văn phòng Chính phủ cho rằng, lộ trình dự kiến tổng rà soát của Dự thảo Đề án là quá dài so với yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo một số tỉnh, thành phố như TP. HCM, Kiên Giang, khi các địa phương công bố kết quả rà soát vào năm 2014 trên cơ sở kết quả công bố năm 2011 của các cơ quan TƯ có thể sẽ không còn phù hợp bởi nhiều VBQPPL của TƯ có thể đã thay đổi. Vì thế, đề nghị cho các địa phương tiến hành trước một số công việc trong khi chưa có kết quả rà soát của TƯ để rút ngắn lại thời gian tổ chức tổng rà soát.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường gợi ý, nếu Quốc hội khoá XII kỳ họp tới thống nhất ban hành Nghị quyết Tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam thì có thể đề xuất với Quốc hội quyết định luôn hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Về lộ trình thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu, ngày 31/12/2010 kết thúc rà soát VBQPPL của các cơ quan TƯ để báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2011 và đến năm 2012 sẽ tổng kết rà soát VBQPPL của địa phương. Như vậy là rút ngắn được thời gian thực hiện tổng rà soát, còn việc xử lý hậu tổng rà soát có thể kéo dài.
Hoàng Thư