Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn đầu đoàn cán bộ khảo sát pháp luật và thực tiễn của Australia về hoà giải ở cơ sở

12/08/2008
Ngày 11 tháng 8 năm 2008, đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Việt Nam do Thứ trưởng Đinh Trung Tụng dẫn đầu đã tới Melboune, Australia, bắt đầu chuyến công tác 10 ngày khảo sát về pháp luật và thực tiễn của Australia về công tác hoà giải ở cơ sở (12 – 21/8).

Mục tiêu chung của chuyến khảo sát về pháp luật và thực tiễn hoà giải tại Australia là nhằm cung cấp thông tin và kinh nghiệṃ hỗ trợ Bộ Tư pháp Việt Nam hoàn thiện chính sách và pháp luật về hoà giải ở cơ sở, trong đó đặc biệt là việc xây dựng và thực thi Luật Hoà giải cơ sở.

Cụ thể, chuyến công tác dự kiến sẽ 1) Tăng cường nhận thức của cán bộ tham dự về các những thách thức trong việc thành lập, tổ chức và duy trì các chương trình hòa giải và thương lượng tại cộng đồng; 2) Giúp các cán bộ Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực khác nhau của hoạt động hòa giải, đặc biệt là  việc công nhận hòa giải viên; 3) Cung cấp thông tin cho các cán bộ tham dự về  cơ cấu và cơ chế quản lý ̣ có́ hiệu quả đối với các chương trình hòa giải và thương lượng; và 4) Giới thiệu với các cán bộ tư pháp Việt Nam phương thức xây dựng chương trình mới nhất về các phương pháp giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (ADR).

Để đạt được các mục tiêu trên, nội dung các cuộc hội thảo và buổi làm việc tại Australia dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề sau:

·        Xác định các vấn đề xung quanh việc tổ chức và hoạt động hòa giải cộng đồng, kể cả các chính sách và  pháp luật điều chỉnh vấn đề này;

·        Tổng quan về yêu cầu chuyên môn đối với hòa giải viên, việc đào tạo và công nhận hoà giải viên, việc nâng cao  năng lực, kỹ năng của hòa giải viên;

·        Giới thiệu các thông lệ phổ biến trong việc quản lý các trung tâm tư pháp cộng đồng và các chương trình hòa giải gia đình, bao gồm việc làm rõ vai trò và trách nhiệm của các đối tượng liên quan tới các chương trình này và quản trị có hiệu quả các cơ cấu và hoạt động hành nghề;

·        Tìm hiểu vai trò của cơ quan tư vấn nhà nước trong việc thành lập một hệ thống ADR quốc gia mang tính phối kết hợp, dễ tiếp cận và có chất lượng cao;

·        Nhận thức về phạm vi và tiềm năng mở rộng các chương trình hòa giải và thương lượng cũng như vai trò của nhà nước trong việc giám sát các hoạt động này;

·        Tổng quan về các hoạt động hoà giải và ứng dụng đổi mới, bao gồm việc sử dụng hòa giải cho các tranh chấp liên quan tới việc sử dụng đất, gia đình, cộng đồng, thương mại, đa văn hóa và các mâu thuẫn khác.

Kết thúc chuyến khảo sát, dự kiến các cán bộ tham dự sẽ:

·        Hiểu rõ về hệ thống hòa giải của Australia, phương thức vận hành, vị trí và vai trò của hòa giải trong tổng thể của hệ thống tư pháp quốc gia

·        Có những kiến thức và ý tưởng mới về cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài Toà án (ADR) để có thể sử dụng được trong việc xây dựng chính sách và văn bản pháp luật về hòa giải cơ sở, đặc biệt là về các vấn đề quản lý kinh nghiệm pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn.

·        Thiết lập được các  mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với các đối tác trong hệ thống ADR của Australia, kể các những cán bộ  làm việc cho Chính phủ Australia chịu trách nhiệm quản lý và giám sát hệ thống này.

Dự kiến chuyến công tác sẽ kéo dài 10 ngày, từ 12 – 21 tháng 8 năm 2008. Các thành phố đoàn sẽ đến thăm và làm việc là Melbourne (12 – 14/8); Canberra (14-17/8) và Sydney (17-22/8). Trong thời gian công tác tại Australia, đoàn sẽ gặp và làm việc với 23 cơ quan, tổ chức khác nhau, hoạt động trong lĩnh vực hoà giải của Australia. Ngày 15 tháng 8, tại Canbera, dự kiến Thứ trưởng Đinh Trung Tụng sẽ có dịp hội kiến ngai Tổng Chưởng lý Australia. Cũng trong thời gian công tác tại Canbera, đoàn cũng sẽ có dịp gặp và làm việc với một số đơn vị của Văn phòng Tổng Chưởng lý, trong đó có Ban Pháp luật gia đình (Family Law Branch); Ban Giải pháp Gia đình (Family Pathways Branch); Ban (chi nhánh) Tư pháp và Luật pháp Bản xứ (Indigenous Law and Justice Branch). Hội đồng Cố vấn về Phương thức Giải quyết Tranh chấp Thay thế (NADRAC - Canberra/Barton) của Australia là một thiết chế đặc biệt và điển hình của đất nước này, có chức năng tham mưu về chính sách ADR của Chính phủ  cho Tổng Chưởng lý.  Dự kiến đoàn sẽ có nhiều thời gian gặp gỡ và tìm hiểu về cơ quan này, trong thời gian làm việc tại thủ đô Canberra.

  Mặc dù hoạt động hoà giải cơ sở ở Việt Nam rất giống với các hoạt động hoà giải cộng đồng ở các nước khác, song rất ít quốc gia đã thể chế hoá các hoạt động hoà giải và coi đó là một phần trong hệ thống tư pháp của mình. Australia đã phát triển được một trong các mạng lưới rộng rãi nhất về các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, bao gồm cả hình thức hoà giải tại cộng đồng. Australia cũng là nước có một hệ thống pháp luật với đa dạng các quy tắc và thủ tục ADR trong những lĩnh vực như luật hôn nhân gia đình, quyền sở hữu đất đai của thổ dân, tranh tụng dân sự, tư pháp cộng đồng, luật hành chính, luật doanh nghiệp, luật thương mại và các quan hệ trong lĩnh vực công nghiệp.  Ở Australia, có 15 đạo luật quan trọng của Liên bang có quy định về ADR, (trong đó nhiều đạo luật do Văn phòng Tổng Chưởng lý phụ trách) bao gồm Luật về Cơ quan Tài phán Kháng cáo Hành chính 1975, Luật Gia đình 1975, Luật về Toà án Liên bang Australia 1976, Luật về Toà Sơ thẩm Liên bang 1999, Luật về Uỷ ban Nhân quyền và Cơ hội Bình đẳng 1986, Luật Trọng tài Quốc tế 1974, Luật Sở hữu Đất đai Tự nhiên năm 1993, Luật Thực hành Thương mại 1974, Luật về Trung tâm Tư pháp Cộng đồng 1983 Luật về các Quan hệ Lao động 1996. Các quy định chính có liên quan tới ADR là Quy chế về Luật Gia đình năm 1984Quy chế Hôn nhân năm 1963.  Các quy tắc mà Toà án Gia đình, Toà Liên bang và Toà Sơ thẩm Liên bang ban hành cũng có các quy định liên quan tới ADR. Vì thế, Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp ở nước này rất có kinh nghiệm quản lý các hoạt động hoà giải và các chương trình giải quyết tranh chấp khác. Các thông lệ quốc tế phổ biến nhất được thể hiện vô cùng rõ nét qua hoạt động của các tổ chức hoà giải chính thức (của Chính phủ) và các tổ chức hoà giải cộng đồng không chính thức (phi Chính phủ hoặc do cộng đồng quản lý) ở Australia. Chuyến thăm quan học tập kinh nghiệm sẽ có cơ hội tới thăm những địa điểm khác nhau ở Australia để tham khảo các thông lệ quốc tế phổ biến này cũng như tìm hiểu các hình thức tiến hành hoà giải ở cộng đồng, nghiên cứu các khung lập pháp đối với ADR và kinh nghiệm quản lý nhà nước có hiệu quả đối với các chương trình ADR.

Ở Việt Nam, trong nhiều năm hòa giải đã và đang được sử dụng rộng rãi như một cơ chế không chính thức (ngoài Toà án) để giải quyết tranh chấp tại cộng đồng và tại gia đình.  Dựa vào khả năng của hoạt động hòa giải trong việc đảm bảo sự hài hòa và tính liên kết của làng xóm cũng như cộng đồng, Chính phủ Việt Nam đã tìm cách mở rộng và cải thiện các hoạt động hòa giải trong việc giải quyết các tranh chấp cơ sở.  Chế định hòa giải cũng đã được thể hiện một cách chính thức trong Hiến pháp, và được thể chế hoá bằng một số văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành soạn thảo Luật Hòa giải ở Cơ sở nhằm thể chế hóa việc tổ chức, hoạt động và quản lý các hoạt động hòa giải ở cơ sở.  Chuyến thăm quan học tập kinh nghiệp tại Australia nhằm mục đích tạo điều kiện cho các cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam học hỏi các mô hình hòa giải và thương lượng, trong đó bao gồm cả kinh nghiệm ̀ lập pháp, cách thức tổ chức, mô hình quản lý Nhà nước, và các thông lệ phổ biến trong hòa giải cũng như các hình thức thương lượng khác.

Các thông tin về chuyến công tác này sẽ tiếp tục được cập nhật từ Melbourne, Canberra và Sydney.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp