Ranh giới về phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản

13/08/2008
Với những nỗ lực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhóm thường trực và sự góp ý về lý luận cũng như thực tiễn của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước, các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và nhân dân đối với hai Dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản, sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, hai dự án luật này đã được chỉnh lý và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo 7.
Tiếp tục những hoạt động nhằm hoàn thiện hai dự án luật nêu trên, như tin đã đưa, trong hai ngày 8/8 và 11/8/2008, Bộ Tư pháp đã phối hợp với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tọa đàm về hai dự án luật này. Những bình luận của ông MORISHIMA - giáo sư danh dự của Nhật Bản và ý kiến của một số đại biểu tham dự tọa đàm cho thấy việc xác định rõ ranh giới phạm vi điều chỉnh của hai luật này là vấn đề hết sức quan trọng.
Ông MORISHIMA cho rằng nếu như khi thực hiện một giao dịch về bất động sản, người tham gia giao dịch phải đến lấy thông tin tại cả hai cơ quan đăng ký bất động sản và đăng ký giao dịch bảo đảm thì sẽ gây khó khăn, bất tiện cho người dân. Còn bà Dương Thu Hương - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng lại nêu lên mong muốn có thể gộp hai luật này làm một, như vậy có thể tạo ra một bước quan trọng về cải cách hành chính, tất cả các thủ tục liên quan đến giao dịch bảo đảm chỉ cần đến thực hiện tại một cơ quan đăng ký.
Thay mặt Tổ biên tập, TS. Nguyễn Thúy Hiền đã khẳng định phạm vi điều chỉnh của hai dự án luật này là khác nhau, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm quy định về nguyên tắc đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm; các trường hợp đăng ký, thẩm quyền và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm; tổ chức và hoạt động của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm. Dự luật này chỉ quy định chung về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm còn những vấn đề cụ thể về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng bất động sản do Luật Đăng ký bất động sản điều chỉnh. Đối với Luật Đăng ký bất động sản sẽ quy định chi tiết những thủ tục về đăng ký bất động sản gồm nguyên tắc đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký bất động sản, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về bất động sản; tổ chức, hoạt động của cơ quan đăng ký bất động sản và quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản. Như vậy, mục tiêu cải cách hành chính vẫn đạt được, đó là việc thực hiện cơ chế một cửa đối với thủ tục đăng ký đối với từng loại tài sản là động sản, bất động sản và tàu bay, tàu biển, còn việc thực hiện cơ chế một cửa đối với tất cả các loại tài sản là hết sức khó khăn và khó thực hiện được.
 
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký