Ngày 23/4/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) đã ban hành Thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú (gọi tắt là Thông tư 22). Tuy nhiên, Thông tư 22 đã có dấu hiệu vượt quá Điều 62 Luật Thi đua khen thưởng (TĐKT) năm 2003. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Tư pháp và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã có buổi làm việc với đại diện của Bộ GD&ĐT bàn về cách xử lý Thông tư 22.
Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn cho biết, quan điểm của Cục là Thông tư 22 đã có một số nội dung hướng dẫn không phù hợp với các văn bản pháp lý cao hơn. Cụ thể, Thông tư hướng dẫn cả việc xét tặng danh hiệu cho giảng viên các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân là vượt quá khoản 1, Điều 62 Luật TĐKT năm 2003. Hay quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét đặc cách các danh hiệu trên đối với những nhà giáo lão thành trên 70 tuổi có công lao to lớn, tiêu biểu được xã hội tôn vinh, được giáo giới trong ngành tín nhiệm cũng là hướng dẫn chưa phù hợp. Ngoài ra, ngày 19/5/2008, Bộ lại có Công văn số 4314 về việc sửa 2 mẫu Tờ trình 3.1 và 3.2 của Thông tư 22, xét về mặt hình thức là không đúng Luật Ban hành VBQPPL. Theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT có thể kiến nghị sửa đổi Luật TĐKT cho sát thực tiễn hơn, còn trong khi Luật chưa được sửa đổi thì phải tạm ngưng thực hiện Thông tư 22.
Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng (Vụ Pháp chế) thừa nhận, Thông tư 22 đã có một số hướng dẫn vượt Luật. Nhưng, ông lưu ý liệu Bộ Tư pháp có thể xem xét đến mối tương quan giữa tính hợp lý và tính hợp pháp trong các mối quan hệ xã hội. Về đề xuất của ông Bằng, ông Phạm Đức Hạnh (Vụ TĐKT) lý giải thêm, việc xét tặng và công bố danh hiệu NGND, NGƯT đã được Bộ tiến hành đều đặn 2 năm/lần từ nhiều năm nay. Trước Thông tư 22, năm 2006, Bộ đã ban hành Thông tư 07 cũng có nội dung hướng dẫn xét tặng danh hiệu, song Thông tư 07 không nhận được sự đồng tình của dư luận và đội ngũ giáo viên. Bởi thế, tiếp thu phản ánh từ địa phương và các nhà giáo, Thông tư 22 đã hướng dẫn luôn đối với giảng viên đứng lớp tại các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay, Bộ đã tiếp nhận gần 370 hồ sơ đề nghị xét tặng của các trường này. Tương tự, số nhà giáo lão thành thuộc diện xét đặc cách không nhiều và Luật GD năm 2005 dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung nên đại diện Bộ GD&ĐT mong muốn được tiếp tục thực hiện Thông tư 22.
Phó Vụ trưởng Vụ TĐKT (Bộ Tư pháp) Lê Văn Duyên trăn trở, nếu không xét tặng danh hiệu cho các nhà giáo thuộc các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân hoặc đặc cách các nhà giáo lão thành thì quả thật rất thiệt thòi cho họ. Ngược lại, nếu tiếp tục áp dụng Thông tư 22 sẽ là trái Luật TĐKT. Ông Nguyễn Thế Thái (Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp) phân tích, căn cứ vào khoản 1, Điều 62 Luật TĐKT năm 2003, đối tượng được xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT là những nhà giáo trong các nhà trường, các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân và cán bộ quản lý GD. Các Điều 4, 48 và 49 Luật GD quy định, nhà trường trong hệ thống GD quốc dân gồm các loại hình công lập, dân lập, tư thục được tổ chức từ cấp mầm non, mẫu giáo đến cấp cao đẳng, đại học; còn trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân sẽ do Chính phủ quy định cụ thể. Rõ ràng đã có sự “vênh” nhau giữa Thông tư 22 với 2 Luật TĐKT và GD. Trước đây, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể hướng dẫn cho trường ngoài hệ thống GD quốc dân nhưng nay đã có 2 đạo luật thì phải làm đúng luật, tức là dừng xét tặng với đối tượng không được các Luật quy định. Theo đại diện Ban TĐKT (Bộ Nội vụ), trong quá trình tham gia xây dựng Thông tư 22 đã không quan tâm tới việc Luật GD tách bạch giữa nhà trường thuộc 2 hệ thống GD quốc dân và ngoài quốc dân và khẳng định khi phát hiện được sai với quy định của Luật phải kiên quyết sửa sai.
Về mặt thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng rất đồng tình với vấn đề lẽ ra phải có hướng dẫn toàn diện đảm bảo quyền lợi của giáo viên ở bất kỳ trường nào. Tuy nhiên, về mặt bảo đảm tính hợp pháp, Thông tư 22 đã có dấu hiệu hướng dẫn vượt đối tượng quy định của Luật TĐKT. Theo Thứ trưởng, có thể học tập trường hợp chỉ sửa một điều của Bộ luật Lao động về nghỉ ngày giỗ Tổ Hùng vương để sửa đổi Điều 62 Luật TĐKT và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ GD&ĐT phải tham mưu cho Chính phủ sớm cụ thể hoá Điều 49 Luật GD. Riêng Công văn số 4314, Thứ trưởng nhấn mạnh không thể dùng hình thức công văn để sửa đổi thông tư và gợi ý cách xử lý là ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 22 hoặc Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung. Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu đại diện Bộ GD&ĐT báo cáo lại lãnh đạo Bộ này và có văn bản trả lời chính thức cho Bộ Tư pháp.
Cẩm Vân