Mốc son mới trong quan hệ hợp tác pháp luật - tư pháp Việt Nam – Australia

18/08/2008
Mốc son mới trong quan hệ hợp tác pháp luật - tư pháp Việt Nam – Australia
Tiếp tục chuyến công tác tại Liên bang Australia, tối ngày 14/8, Đoàn của Bộ Tư pháp Việt Nam đã tới Thủ đô Canberra. Ngày 15 tháng 8, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng các thành viên trong đoàn đã hội đàm với Phó Tổng Chưởng lý Australia, Ngài Robert Cornall AO , gặp gỡ và làm việc với một số cơ quan của Văn phòng Tổng Chưởng lý.

Giá lạnh âm 1 độ C (-1 độ) của mùa đông Canberra  trái ngược hẳn với không khí đón tiếp chân tình, nồng hậu mà các đồng nghiệp Australia dành cho đoàn Việt Nam. Cái tên Canberra có nguồn gốc từ tiếng Kam-bơ-rơ của thổ dân nơi đây, có  nghĩa là "nơi gặp gỡ". Có thể chỉ là sự sắp đặt ngẫu nhiên, nhưng chặng dừng chân 01 ngày của Đoàn công tác tại Canberra đã thực sự sâu sắc với ngập tràn các cuộc gặp những người đồng nghiệp tại Văn phòng Tổng Chưởng lý Australia. Mọi buổi làm việc đều diễn ra trên tinh thần cởi mở, thân thiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Hội kiến với Phó Tổng Chưởng lý Australia, Ngài Robert Cornall AO

Sáng ngày 15/8, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng các thành viên trong đoàn đã hội kiến với Ngài Robert Cornall AO, Phó Tổng Chưởng lý Liên bang Australia.

Ngài Phó Tổng Chưởng lý nồng nhiệt chào mừng Thứ trưởng Đinh Trung Tụng sang công tác Australia, tới thăm và làm việc với Văn phòng Tổng Chưởng lý; coi đây là một dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả.  Ngài Robert Cornall  cũng đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam giành được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; bày tỏ tin tưởng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển với vai trò, vị thế ngày càng tăng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp và sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà  cá nhân Ngài Phó Tổng Chưởng lý cũng như lãnh đạo các cơ quan pháp luật và tư pháp của Australia đã dành cho Ðoàn trong thời gian công tác; chúc mừng những thành tựu to lớn mà hai nước đã đạt được trong quá trình phát triển đất nước cũng như hội nhập khu vực và quốc tế nói chung và lĩnh vực cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền nói riêng; chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua; thông tin về mục tiêu, các quan điểm chỉ đạo cũng như định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như cải cách tư pháp tại Việt Nam theo các Nghị quyết 48 và 49 của Bộ Chính trị.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và Ngài Phó Tổng Chưởng lý Robert Cornall bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác đang phát triển rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trên lĩnh vực pháp luật và tư pháp.  Hai bên cùng tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và quyết tâm của hai Bộ, các hoạt động, chương trình hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai bên sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và  quốc tế.

Tiếp nối cuộc hội kiến với Ngài Robert Connal, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và đoàn công tác đã có các buổi làm việc với một số cơ quan khác của Văn phòng Tổng Chưởng lý Australia có chức năng quản lý nhà nước về công tác hoà giải.

1. Vụ pháp luật Gia đình (Family Law Branch) là cơ quan tham mưu cho Tổng Chưởng Lý về pháp luật và chính sách trong những vụ việc liên quan tới pháp luật hôn nhân gia đình trong nước và quốc tế. Vụ cũng là Cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện một số điều ước quốc tế về luật gia đình, đặc biệt là các Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Vụ được chia thành bốn (4) phòng:

·        Phòng Pháp luật gia đình

·        Phòng  Luật Gia đình Quốc tế

·        Phòng Hôn nhân và các Linh mục Chủ trì Hôn lễ

·        Hội đồng Luật Gia đình (FLC)

2. Vụ Hỗ trợ Gia đình (Family Pathways Branch) có chức năng xúc tiến và tăng cường các dịch vụ hỗ trợ gia đình, bao gồm ly thân, giải quyết các vấn đề và cố gắng đạt được thỏa thuận vì quyền lợi tốt nhất của trẻ em. Vụ này chịu trách nhiệm về chính sách và các chương trình giải quyết xung đột trong gia đình và các dịch vụ ly thân. Cùng với Vụ Gia đình, các Dịch vụ Cộng đồng và các Vấn đề bản xứ, Vụ chia sẻ trách nhiệm quản lý Chương trình Dịch vụ Quan hệ Gia đình. Chương trình này tài trợ cho trên 100 tổ chức cộng đồng chuyên thực hiện các chương trình hỗ trợ và chuyên môn cho các gia đình trên toàn lãnh thổ Australia.  Hai cơ quan này còn chia sẻ một trách nhiệm chung nữa là thực hiện các cải cách quant trọng gần đây liên quan tới hệ thống pháp luật về gia đình.

3. Vụ Tư pháp và Pháp luật Thổ dân (Indigenous Law and Justice Branch) chịu trách nhiệm phát triển và thực hiện chương trình, chính sách liên quan tới các dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người thổ dân, các chương trình tuyên truyền pháp luật và tư pháp, phòng chống tội phạm, các chương trình xử lý chuyển hướng, cải tạo và các chương trình Tư pháp phục hồi với mục đích ngăn chặn những hậu quả tiêu cực mà cộng đồng thổ dân  phải gánh chịu dưới hệ thống tư pháp hình sự. Vụ cũng chịu trách nhiệm về các Dịch vụ Pháp lý Ngăn chặn Bạo hành Gia đình với mục đích thực hiện các chương trình can thiệp sớm và hỗ trợ phù hợp về văn hóa cho các nạn nhân (cả người lớn và trẻ em) của tình trạng bạo lực gia đình (bao gồm cả lạm dụng tình dục) thuộc các bộ lạc Aboriginal và Torres.

Thông qua các cuộc làm việc với các đơn vị có liên quan của Văn phòng Tổng Chưởng lý, các cán bộ trong đoàn đã thu nhận  được nhiều kinh nghiệm về 1) vai trò của công tác giải quyết tranh chấp gia đình trong hệ thống pháp luật hôn nhân gia  đình của Australia; 2) các tiêu chuẩn đối với hòa giải viên, nhu cầu tăng cuờng năng lực trong công tác hòa giải hôn nhân gia  đình; 3) cách thức Bộ Tư pháp Liên bang Úc quản lý và giám sát họat động các trung tâm hỗ trợ quan hệ gia  đình; 4) việc cải thiện tư pháp, khả năng tiếp cận tư pháp và lòng tin của các cộng đồng thổ dân vào hệ thống tư pháp và 5) tăng cường hiểu biết về các chiến lươc hiệu quả trong công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về hòa giải. Tất cả những kiến thức nêu trên sẽ được cân nhắc và tham khảo trong quá trình xây dựng và thực  thi Luật hòa giải sắp tới của Việt Nam.

4. Phòng Tư pháp phục hồi - Bộ Tư pháp  và An toàn cộng dồng thuộc Chính quyền Lãnh thổ Thủ đô Australia (ACT)

Phòng Tư pháp phục hồi là  cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp và An toàn cộng đồng của chính quyền ACT, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 1/2005.  Tư pháṕ phục hồi ở ACT được thiết kế với mục đích "tăng cường" hay “hỗ  trợ hiệu quả” cho hệ thống tư pháp hình sự mà không thay thế cho hệ thống này. Với ý nghĩa đó, các quy trình Tư pháp phục hồi ở ACT có thể hoạt động song song với các quy trình tư pháp hình sự hiện hành. Việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhận trách nhiệm đối với hành vi của mình trong quy trình tư pháp phục hồi không ảnh hưởng đến việc người đó không thừa nhận hành vi phạm tội trong phiên xét xử chính thức tại Tòa án. Kể cả khi người chưa thành niên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật, hoặc đã được xác định là có tội, Tòa án cũng không bị bắt buộc phải xem xét lại quy trình tư pháp phục hồi trước đó, nếu có. Lực lượng cảnh sát Liên bang Australia là cơ quan hợp  tác  quan trọng của Ban Tư pháp phục hồi. Cảnh sát Liên bang cử các cán bộ cảnh sát hỗ trợ cho các cuộc họp trong quy trình tư pháp phục hồi và hỗ trợ  cho  công việc của Bộ Tư pháp.   

Tại buổi làm việc với Phòng Tư pháp phục hồi - Bộ Tư pháp  và An toàn cộng đồng thuộc Chính quyền Lãnh thổ Thủ đô Australia (ACT), đoàn công tác đã tham khảo nhiều kinh nghiệm của Australia về vai trò của Phòng Tư pháp phục hồi ACT và các cơ chế quản lý và hành  chính của Vụ; vai trò của cán bộ cảnh sát trong việc quản lý và thực thi quy trình tư  pháp  phục hồi; khả năng tiếp cận tư pháp và việc cải thiện lòng tin của người dân đối với hệ thống tư pháp thông qua hoạt động tư pháp phục hồi.  Những kiến thức thu nhận được từ các cuộc trao đổi, thảo luận với Bạn sẽ được phía Việt Nam nghiên cứu, so sánh để có những đề xuất cụ thể cho việc vận dụng các kinh nghiệm, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập và duy trì được những giá trị bản địa truyền thống.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp