Thừa phát lại: Mở rộng cơ hội xã hội hoá công tác THADS

19/08/2008
Nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác THADS, Bộ Tư pháp đã được Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TƯ giao chủ trì xây dựng Đề án Thực hiện thí điểm Thừa phát lại (TPL) tại TP.HCM. Đến thời điểm này, về cơ bản Đề án đã được hoàn thành và đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Thành lập TPL để phục vụ dân tốt hơn

Cùng với quá trình phát triển, ở Việt Nam, nhu cầu đối với các dịch vụ pháp lý phát triển mạnh dẫn đến sự hình thành nhiều tổ chức có nhiệm vụ hỗ trợ về mặt pháp luật cũng như cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội (như LS, Công chứng, trọng tài thương mại…). Bên cạnh đó, sự gia tăng số lượng các tranh chấp tạo ra một sức ép cho các cơ quan tư pháp do mọi công việc trong quá trình xử lý tranh chấp đều do cơ quan Nhà nước thực hiện. Và hậu quả thiết yếu là án tồn đọng chưa được xét xử và chưa được THA ngày càng lớn. Trong khi đó dù biên chế, kinh phí cho hoạt động THADS hàng năm tăng liên tục nhưng vẫn không theo kịp qui mô công việc. Một giải pháp đúng đắn và hợp lý cho tình trạng này là thành lập tổ chức TPL. Nói cách khác là giao việc tổ chức THADS cho TPL thực hiện song song cùng các cơ quan THADS hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Luyện - Cục trưởng Cục THADS (Bộ Tư pháp) - cho biết, mục tiêu của Đề án là xây dựng và triển khai thí điểm mô hình TPL tại TP.HCM để xác định tính cần thiết và hiệu quả của TPL trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động THADS nói riêng. Trên cơ sở những kết quả đạt được sẽ xem xét tổ chức trên toàn quốc nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá một số hoạt động hành chính tư pháp.

Theo đánh giá của Đề án, nếu tổ chức TPL được thành lập với các chức năng tạo lập chứng cứ, bổ sung nguồn chứng cứ để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo qui định của pháp luật; tống đạt các văn bản, giấy tờ của cơ cơ quan THA và toà án; trực tiếp THA bản án, quyết định thì sẽ là giải pháp giảm tải và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác THADS. Quan trọng hơn cả là tổ chức TPL sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tăng cơ hội lựa chọn hình thức, chủ thể THA và được phục vụ tốt hơn, phát huy thực chất hiệu quả của nền dân chủ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, TPL phải là một mô hình đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, chứ không phải để “đè” thêm gánh nặng phí, lệ phí cho người dân khi THADS.

TPL nên được làm gì?

Ngay từ khi manh nha ý tưởng về đề án TPL, vấn đề được dư luận quan tâm là làm thế nào để TPL không phải là tổ chức “đòi nợ thuê”. Muốn vậy phải có những qui định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của TPL. Theo Dự án Luật THADS (được QH11 cho ý kiến tại kỳ họp 3 hồi tháng 5), TPL có nghĩa vụ như một Chấp hành viên (CHV) cơ quan THADS nhưng chỉ có một số quyền của một CHV. TPL sẽ là một chức danh tư pháp, được bổ nhiệm nhưng không phải là công chức. Do đó, TPL chỉ được thừa hành những công việc do cơ quan nhà nước giao cho nhưng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì mình thực hiện.

Theo nội dung đề án, việc thí điểm mô hình TPL cần được áp dụng đối với một số công việc cụ thể như lập các vi bằng (chủ yếu xác nhận một sự kiện) để làm chứng cứ trong xét xử và có thể làm căn cứ giải quyết công việc trong các lĩnh vực khác như hành chính, thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch dân sự. Ngoài ra, trong quá trình thí điểm, TPL có thể được thực hiện công việc tống đạt giấy tờ của cơ quan THADS, toà án trên cơ sở thoả thuận giữa TPL và cơ quan THADS và toà án.

Đặc biệt, Đề án cũng thí điểm theo hướng cho phép TPL thực hiện quyền xác minh điều kiện THA và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự để “kiểm nghiệm khả năng THA” của tổ chức này. Hơn nữa, bên cạnh TPL còn có cơ quan THADS nên nếu TPL thi hành không hiệu quả thì người dân có thể yêu cầu cơ quan THADS thi hành vụ việc của mình. Đây cũng là một biện pháp để tạo nguồn thu “nuôi sống” các TPL và tổ chức này hoạt động vì TPL là một hoạt động dịch vụ, có thu thù lao, chi phí.

Đề án sẽ tiếp tục được hoàn thiện để báo cáo Chính phủ trước khi trình Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ vào 15/9 tới. Dự kiến, mô hình TPL sẽ được triển khai thí điểm (thành lập các văn phòng TPL tại TP.HCM) từ 1/7/2009 – thời điểm Luật THADS có hiệu lực./.

Huy Long

Tại TP.HCM, trung bình, mỗi năm, TAND các cấp thụ lý và giải quyết khoảng 40.000 vụ án phi hình sự. Với số lượng án như vậy, nếu tính số người liên quan vào mỗi vụ kiện tối thiểu là 2 (10 lần tống đạt/người) thì các toà án cần phải tống đạt trên 800.000 văn bản, giấy tờ/năm. Trong lĩnh vực THA, mỗi CHV phải tổ chức thi hành trên 600 việc/năm. Chỉ tính riêng việc tống đạt giấy tờ và xác minh, mỗi năm CHV, cán bộ THA cũng phải xác minh khoảng 50.000 việc và tống đạt khoảng 600.000 văn bản, giấy tờ. Do vậy, nếu giao cho tổ chức TPL thực hiện công việc tống đạt giấy tờ, văn bản tố tụng sẽ góp phần giải toả sự quá tải trong công việc của các cơ quan toà án và THADS.