Các cơ quan tư pháp Việt Nam đã có hơn 60 năm lịch sử nhưng cho đến nay chưa có một chiến lược xây dựng phát triển ngành nào được thực hiện trong thực tiễn. Hai Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách Tư pháp được ban hành kèm theo Nghị quyết số 48 và số 49 của Bộ Chính trị mới chỉ là các Nghị quyết về quan điểm chiến lược cần phải quán triệt trong việc phát triển hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, để tiến hành xây dựng một chiến lược ngành đúng nghĩa thì chúng ta lại gặp không ít khó khăn…
PGS.TS. Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế) nhấn mạnh, hiện chưa có định nghĩa có tính khoa học được nhiều người chấp nhận về ngành Tư pháp, trong khi đây lại là một khái niệm rất cần được xác định cụ thể và chính xác nhằm xây dựng Chiến lược phát triển. Theo ông Huệ, để xác định thế nào là ngành Tư pháp thì chủ yếu phải dựa vào các chức năng, nhiệm vụ mà các cơ quan tư pháp được nhà nước giao thực hiện. Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp, Bộ được giao thực hiện các nhóm công việc liên quan đến quản lý nhà nước (thi hành án dân sự, công chứng, giám định…), đến hoạt động xây dựng pháp luật (lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, thẩm định văn bản, kiểm tra văn bản…) và đến đào tạo (cử nhân luật, các chức danh tư pháp). Như vậy, có thể hiểu khái niệm ngành Tư pháp là một khái niệm hỗn hợp, bao gồm nhiều công việc có tính chất khác nhau. Ông Huệ cho rằng, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp thực ra là xây dựng các kế hoạch phát triển của các lĩnh vực hoạt động cơ bản, cấu thành chức năng của Bộ Tư pháp như hộ tịch, quốc tịch, thi hành án dân sự, giám định…
Thừa nhận thực tế ngành Tư pháp chưa có một khái niệm đúng nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho biết thêm, việc xây dựng Chiến lược phát triển lại càng khó khăn vì phải đặt trong tổng thể phát triển của hệ thống pháp lý bao gồm cả những lĩnh vực không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp. Để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược, Bộ Tư pháp đang triển khai nghiên cứu Đề tài cấp Bộ về “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”. Trong đó, ưu tiên kế hoạch hoá chiến lược cho 4 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ là xây dựng đội ngũ cán bộ, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm nêu trên của ông Huệ không được ông Hạnh và nhiều chuyên gia khác đồng tình. Theo ông Hạnh, Chiến lược phát triển ngành Tư pháp phải dựa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các Chương trình, Chiến lược cải cách bộ máy nhà nước, các Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng, miền liên quan, các Chiến lược phát triển của các cơ quan tư pháp khác như Toà án, VKS, Công an và tất nhiên không thể thiếu các Chiến lược, quy hoạch các lĩnh vực cụ thể của ngành Tư pháp.
TS. Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp khẳng định, cần nhìn nhận vị trí, chức năng của ngành Tư pháp trong tổng thể bộ máy nhà nước chứ Chiến lược phát triển ngành không phải là tổng hợp các lĩnh vực cụ thể. Một chuyên gia trong tư vấn chính sách về chế độ pháp quyền và tiếp cận công lý – ông Nick Booth lưu ý, Việt Nam cần “đi từ trên xuống”, từ những cái chung, nghĩa là phải bắt đầu từ chiến lược của toàn ngành với những quy trình thực hiện có thể khác nhau. Còn “đi từ dưới lên”, lĩnh vực nào cũng có cái riêng của mình thì khi “gói” vào sẽ không đem lại kết quả gì.
Là một trong số những đơn vị thuộc Bộ sớm có quy hoạch phát triển đến năm 2015, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý – TS. Tạ Thị Minh Lý cho rằng, việc lãnh đạo Bộ Tư pháp chọn ra 4 lĩnh vực ưu tiên như trong Đề tài là hợp lý bởi đây là những mảng hoạt động phải chịu nhiều thách thức trước chính sách xã hội hoá của nhà nước, phải khắc phục nhiều bất cập để đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Để xây dựng Chiến lược phát triển ngành Tư pháp, bà Lý đề xuất, trước hết cần xác định cho được những giá trị lịch sử ngành Tư pháp mang lại cho đất nước trong những năm qua, phân tích và dự báo cho được những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà ngành Tư pháp sẽ được Đảng và Nhà nước giao trong những năm tới đây nhằm dự liệu đúng đắn và đầy đủ các nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Tư pháp trước Đảng và trước nhân dân trong bối cảnh tiến hành cải cách sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo bà Lý, nên chú trọng xây dựng và phát triển nhân tố con người làm việc trong ngành Tư pháp. Đó phải thật sự là những người yêu ngành, yêu nghề, giỏi về chuyên môn, trong sáng về phẩm chất đạo đức, hết lòng phục vụ tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Cẩm Vân