Công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008: Tiền đề vững chắc cho hoàn thành nhiệm vụ năm

18/07/2008
Hôm nay (18/7), Hội nghị giao ban công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2008 diễn ra tại Vĩnh Phúc. Hội nghị này được đánh giá là có tầm quan trọng đối với công tác tư pháp năm 2008, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, vì đây là năm đầu tiên Ngành Tư pháp thực hiện Chương trình công tác trọng tâm.

Đạt 85% kế hoạch trình văn bản và đề án

6 tháng qua, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo của Chính phủ về các mặt công tác, ngành Tư pháp đã cùng nỗ lực để đưa các hoạt động chính của ngành vào nề nếp, với những kết quả khả quan và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ hoàn thành xây dựng đề án, VB đạt 85% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2007. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 11, dự án Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng với nhiều nội dung mới, đã được thông qua, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL. Bộ cũng hoàn thành dự thảo Luật THADS trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp này.

Giải quyết xong nhiều vụ việc THADS phức tạp

So với cùng kỳ năm 2007, kết quả THADS trong cả nước 6 tháng đầu năm 2008 tăng 8,02% về số vụ được THA xong hoàn toàn và 19,19% số tiền thực thu; giải quyết xong nhiều vụ việc phức tạp. Đó là kết quả của việc chỉ đạo sát sao từ Cục THADS, của sự sáng tạo trong triển khai hoạt động THA ở nhiều địa phương. Một trong những nguyên nhân làm công tác THADS nhiều năm qua còn chưa hiệu quả là do vấn đề tổ chức và nhân sự. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Bộ Tư pháp tiếp tục kiện toàn tổ chức của Cục THADS và các cơ quan THADS địa phương, đồng thời chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong công tác THA.

Hoạt động công chứng, luật sư có nhiều khởi sắc

          Để thực hiện và đáp ứng yêu cầu của chủ trương xã hội hoá lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp đã bổ nhiệm công chứng viên (CCV) để thành lập Văn phòng công chứng, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng cho các CCV, đặc biệt là CCV mới được bổ nhiệm. Bên cạnh đó, một số địa phương tiến hành việc chuyển đổi các Phòng Công chứng từ cơ quan hành chính Nhà nước thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp.

Hiện đã có 10 Văn phòng Công chứng được thành lập tại Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá và Bà Rịa - Vũng Tàu, hoạt động khá nhộn nhịp, mở ra một triển vọng sáng lạn cho hoạt động này, nhưng cũng đặt ra cho ngành Tư pháp thêm nhiều yêu cầu để quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hoá công tác công chứng.

          Hoạt động quản lý đội ngũ và hoạt động luật sư (LS) của Bộ Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2008 cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đào tạo chuyên gia pháp luật và LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tổ chức thành công lễ ra mắt Hội đồng lâm thời LS (gồm 15 thành viên) để chỉ đạo các công việc chuẩn bị Đại hội Đại biểu LS toàn quốc lần thứ I.  

PBGDPL – TGPL tiếp tục được tăng cường

Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007, rút ra những kinh nghiệm, bài học để thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn tiếp theo. Cùng với hoạt động PBGDPL tiếp tục được tăng cường, ngành tư pháp cũng tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống TGPL với 124 chi nhánh, 862 tổ cộng tác viên (gồm 8.130 cộng tác viên) và 928 câu lạc bộ TGPL. Bộ đã xây dựng xong và trình Chính phủ phê duyệt các đề án về quy hoạch mạng lưới của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến 2015, thành lập Quỹ TGPL Việt Nam. Đặc biệt đã thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương...

Tiếp tục lộ trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp

Trong giai đoạn này của lộ trình cải cách hành chính (CCHC), nhằm thực hiện Đề án về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), Bộ đã tiến hành triển khai rà soát thủ tục hành chính để hoàn chỉnh việc thống kê, tập hợp các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ và hoàn thành việc rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực;... Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực hoạt động, nhiều Sở Tư pháp đã hướng dẫn thủ tục hành chính, công khai các mẫu, biểu liên quan trên Website của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn đầu đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) tại các tỉnh Sơn La, Bình Phước đã có được nhiều thông tin giúp Ban chỉ đạo CCTP TƯ đánh giá những mặt tích cực và hạn chế, bất cập của công tác CCTP, đề xuất giải pháp khắc phục, nhằm thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược CCTP. Ở địa phương, các cơ quan tư pháp cũng đã giúp Ban Chỉ đạo CCTP địa phương đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP liên quan đến công tác THADS, hoạt động tuyên truyền, quán triệt nội dung, tinh thần của Nghị quyết.

Đầu tư cho yêu cầu về nguồn nhân lực

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Tư pháp, tập thể Lãnh đạo Bộ đã giao lưu, đối thoại cởi mở, chân tình với đoàn viên, thanh niên cơ quan Bộ nhân ngày thành lập Đoàn TNCS HCM (26/3) để nghe tâm tư, nguyện vọng và những ý tưởng của lớp trẻ hiến kế xây dựng Bộ, Ngành vững mạnh. Công tác quy hoạch cán bộ đã hướng mạnh vào đội ngũ công chức trẻ, công chức nữ; việc tạo môi trường làm việc dân chủ bình đẳng, cạnh tranh để công chức phát huy sở trường trong công tác được chú trọng.

Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo luật, đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp, Bộ đã trình Đề án đưa pháp luật các nước ASEAN vào chương trình giáo dục của các cơ sở đào tạo luật, Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp; chỉnh lý, hoàn thiện Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành Trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật. Khi các đề án này được thực hiện, ngành Tư pháp sẽ có một đội ngũ cán bộ năng động, đủ trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác Tư pháp thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh đó, các hoạt động khác của ngành Tư pháp như kiện toàn bộ máy và nhân sự của cơ quan tư pháp các cấp, nhất là tư pháp cấp xã; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hợp tác quốc tế, bán đấu giá tài sản, phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra… cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Mặc dù còn nhiều bất cập cần khắc phục nhưng các kết quả đạt được trong 6 tháng qua đã tạo những tiền đề vững chắc cho toàn ngành Tư pháp tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch công tác năm 2008./.

Hương Giang

6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã trình 4 dự án Luật và 13 đề án, VB khác; hoàn thành 11 VB, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ hoặc liên tịch ban hành (đạt 32% kế hoạch); 44 cơ quan Tư pháp cấp tỉnh đã tham gia soạn thảo 6.524 VBQPPL. Hoạt động kiểm tra VB tiếp tục được đổi mới và phát huy hiệu quả. Tính đến ngày 31/5/2008, Bộ đã phát hiện 210/1.890 VB do các Bộ, ngành, địa phương gửi để kiểm tra có dấu hiệu trái pháp luật; các địa phương phát hiện và yêu cầu xử lý 3.115/159.222 VB (chiếm gần 2% số VB kiểm tra, rà soát).

Trong 6 tháng đầu năm 2006, Bộ Tư pháp đã cấp chứng chỉ hành nghề LS cho 331 người, cấp giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho 10 LS nước ngoài, cấp giấy phép cho 4 tổ chức LS nước ngoài (trong đó có một công ty luật liên doanh đầu tiên ở Việt Nam), kiểm tra hết tập sự cho gần 500 người tập sự hành nghề LS.

Tính đến hết tháng 6/2008, cả nước có 63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (BĐG) tài sản với 149 là Đấu giá viên; 56 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ BĐG tài sản với 161 đấu giá viên. Theo số liệu thống kê của 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 6 tháng đầu năm, các Trung tâm BĐG tài sản đã ký kết 1.727 hợp đồng uỷ quyền BĐG, đã tổ chức 1.109 phiên đấu giá thành, với số tiền 1.035.828.893.682 đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm 218.896.930.714 đồng, tổng số lệ phí đã thu là 63.134.616.314 đồng.