Ngày (16/7), tại Hà Nội, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác TGPL 6 tháng đầu năm 2008. Theo đó, Cục đã “dốc sức” vào hoạt động xây dựng thể chế nhằm tiếp tục triển khai thi hành Luật TGPL, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt do Bộ phát động.
Bà Tạ Thị Minh Lý - Cục trưởng Cục TGPL cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục đã hoàn thành việc soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đáng chú ý là 2 văn bản được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành - Quyết định số 792/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015 và Quyết định số 84/2008/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ TGPL Việt Nam ngày 30/6/2008. Ngoài ra, có 4 văn bản được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký thông qua, bao gồm Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ TGPL, Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế Cộng tác viên và Quyết định số 259/2008/QĐ-BTP về việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở TƯ và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Cũng theo bà Lý, Cục đã hoàn thiện 2 Thông tư liên tịch, 3 văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ để lấy ý kiến địa phương, các Bộ, ngành liên quan và một số Đề án nhằm kiện toàn tổ chức, bộ máy. Cục còn hoàn thành các chuyên đề về cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng vụ việc TGPL, về TGPL cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của tội buôn bán người và đang nghiên cứu 5 chuyên đề khác. Bà Lý khẳng định, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chuyên đề trong 6 tháng đầu năm 2008 của Cục đã được chuẩn bị rất khẩn trương, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra.
Về kết quả thực hiện TGPL, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, các Trung tâm TGPL trên toàn quốc đã thực hiện được hơn 32.300 vụ việc cho hơn 34.300 đối tượng (chủ yếu là người nghèo và đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, người chưa thành niên). Văn phòng TGPL cho phụ nữ thuộc Cục thực hiện được 375 vụ việc, 11 đợt TGPL lưu động tại các xã, phường và tổ chức 11 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật cho 550 phụ nữ thuộc địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, Cục cũng chú trọng đổi mới công tác quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL và quản lý Quỹ TGPL. Khác với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, Cục tham mưu để Bộ ban hành trong Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp có việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh TGPL làm định hướng cho các địa phương. Đối với hoạt động của Quỹ TGPL, Cục đã điều chỉnh chuyển từ chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tài chính theo kiểu bình quân sang tăng cường đầu tư cho những địa phương có nhu cầu lớn, thực hiện TGPL có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu TGPL đa dạng của nhân dân.
Hoàng Thư