Hội nghị sơ kết công tác Trợ giúp pháp lý 6 tháng đầu năm 2008

16/07/2008
Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 16/7/2008 tại Hà Nội, Cục TGPL tổ chức Hội nghị sơ kết công tác TGPL 6 tháng đầu năm 2008. Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đồng chí Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Dân sự kinh tế, đồng chí Lê Văn Duyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng; đại diện Vụ Hành chính tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam; các cán bộ, công chức thuộc Cục và Văn phòng TGPL cho phụ nữ.
Được Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý uỷ quyền, đồng chí Phạm Thái Hà, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp đã báo cáo kết quả công tác TGPL trong 06 tháng đầu năm 2008. Theo báo cáo, với tinh thần chủ động triển khai các công tác chuyên môn, Cục TGPL đã cơ bản hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác đề ra, cụ thể là:
Công tác xây dựng văn bản, đề án đã được tập trung cao độ, đôn đốc kiểm tra kịp thời vì vậy đã bảo đảm cả về chất lượng và theo tiến độ đề ra, đã có 02 văn bản đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 792/2008/QĐ-TTg ngày 23/6/2008 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ TGPL Việt  Nam),  04 văn bản được Bộ Tư pháp ban hành (Quyết định số 02/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ trưởng BTP ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước;  Quyết định số 03/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ trưởng BTP ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ TGPL; Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ngày 13/5/2008 của Bộ trưởng BTP ban hành Quy chế Cộng tác viên; Quyết định số 259/2008/QĐ-BTP ngày 07/3/2008 của Bộ trưởng BTP về việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng;) 05 văn bản đã hoàn thành  đang lấy ý kiến các Bộ, Nghành và địa phương.
Công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Cục đã có một số điểm mới so với năm 2007, đặc biệt là việc cải tiến phương pháp lề lối làm việc. Ngay từ đầu năm, Cục trưởng đã trực tiếp làm việc với từng đơn vị trực thuộc, lĩnh hội các ý kiến đề xuất, giải pháp để hoàn thành có hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của từng cán bộ công chức, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mỗi người trên cơ sở đó có kế hoạch giao việc phù hợp để bảo đảm chất lượng công việc. Năm 2008, Cục giao cho 1 bộ phận thực hiện việc theo dõi thông tin, viết bài liên quan đến TGPL trên các báo, tạp chí để cung cấp thông tin cho Lãnh đạo Cục. Nhờ vậy, đã giúp lãnh đạo Cục kịp thời nắm được và xử lý các thông tin về TGPL qua kênh báo chí để chỉ đạo, điều hành kịp thời.
Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ: Cục đã chú trọng xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra hoạt động TGPL tại các địa phương. Qua các đợt kiểm tra, Cục đã kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn để hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác TGPL ở địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, cùng với việc chú trọng nắm tình hình để kịp thời xử lý các công văn, đề nghị của địa phương, Cục đã chủ động nghiên cứu và ban hành 60 công văn hướng dẫn địa phương về chuyên môn nghiệp vụ; hướng dẫn các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; đến nay, có 52/64 tỉnh, thành phố, UBND cấp tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức biên chế của Trung tâm (chiếm 81,25%). Hệ thống TGPL tiếp tục được củng cố, kiện toàn với 124 Chi nhánh, 862 Tổ cộng tác viên và 928 Câu lạc bộ TGPL. Đội ngũ cán bộ và cộng tác viên TGPL ngày càng được tăng cường. Đến nay, đã có 218 người được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL, trong đó có 127 người đã được UBND cấp tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Trong toàn quốc có 8.130 Cộng tác viên TGPL. Cục đã tổ chức một số Đoàn công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành tại một số địa phương, tham gia Đoàn công tác của liên ngành kiểm tra việc thực hiện các Chương trình giảm nghèo... Qua các đợt kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh một số yếu kém, hạn chế trong việc quản lý chất lượng vụ việc TGPL tại các địa phương.
Triển khai thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II: Ngay từ đầu năm, Cục đã yêu cầu địa phương báo cáo kết quả 01 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để nắm rõ thực trạng triển khai thực hiện chính sách TGPL ở các địa phương thuộc chương trình này. Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách TGPL thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Cục đã kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn hoạt động, đồng thời cũng đã phát hiện được những điểm bất cập để đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế và hướng dẫn cho phù hợp.
Công tác phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan có liên quan được tăng cường và đạt được một số kết quả trong việc tham mưu để Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL ở cả Trung ương và địa phương, tạo ra quan hệ phối hợp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo thuận lợi cho công tác TGPL phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Trong sự phối hợp với các tổ chức đoàn thể quần chúng, Cục đã có sự hướng dẫn về TGPL, đồng thời hỗ trợ cả về tài chính cho Văn phòng TGPL thuộc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, TW Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Nông dân, Hội Luật gia Việt Nam…
Kết quả thực hiện TGPL: theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính đến ngày 15/6/2008, các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL được 32.321 vụ việc  (tư vấn: 29.802 vụ; kiến nghị: 116 vụ; đại diện: 230 vụ; bào chữa: 2.069 vụ; hòa giải: 104 vụ) cho 34.364 đối tượng. Văn phòng TGPL cho phụ nữ thuộc Cục đã thực hiện được 375 vụ (tư vấn 371 vụ, bào chữa 4 vụ).
Công tác nghiên cứu thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật: Cục TGPL đã hoàn thiện và xuất bản cuốn sách "10 năm hoạt động TGPL ở Việt Nam hướng phát triển" gồm 350 trang, 14.000 cuốn. Cục đã hoàn chỉnh Kế hoạch, lập danh mục cụ thể của 60 loại tờ gấp, cẩm nang pháp luật, đã xuất bản được 30 loại tờ gấp, cẩm nang pháp luật. Hoàn thành việc biên soạn cuốn Sổ tay vụ việc TGPL điển hình; biên tập hoàn thiện nội dung 05 loại tài liệu nguồn thuộc các lĩnh vực pháp luật về: hình sự, khiếu nại, tố cáo, thừa kế, lao động, hộ tịch; xây dựng kế hoạch và đề cương chi tiết cuốn Sổ tay nghiệp vụ TGPL (gồm 300 trang); in, phát hành 250 cuốn "Văn bản pháp luật về TGPL" tập I; cập nhật các tin, bài lên Trang thông tin điện tử TGPL cập nhật 5 tin, bài/ngày…
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo, toạ đàm: Trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở danh sách những người được cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL khoá 2 đã được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, Cục đã cấp Chứng chỉ cho 80 người đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ TGPL để UBND các tỉnh bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Ngoài ra, Cục đã tổ chức các lớp tập huấn và hội thảo: Cơ chế trao đổi thông tin trên Website TGPL; giới thiệu, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý công việc; xây dựng tài liệu và hướng dẫn một số kỹ năng sử dụng phần mềm trong MS.office… Ngoài ra, Cục còn tham dự Toạ đàm nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức; hội thảo về định hướng xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Quan hệ hợp tác, đối ngoại: Việc quản lý, thực hiện Dự án và quan hệ hợp tác, đối ngoại có nhiều điểm mới so với năm trước: Để bảo đảm nâng cao quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TGPL, Cục đã trao đổi với nhà tài trợ tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ Dự án để kịp thời đánh giá kết quả Dự án qua 02 năm thực hiện, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc do các Trung tâm gặp phải trong quá trình thực hiện Dự án để có thể thảo luận chính thức với nhà tài trợ có biện pháp giải quyết các khó khăn do địa phương đề xuất; sử dụng hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài để nâng cao năng lực của Cục trong hoạt động lập kế hoạch, giám sát, đánh giá và báo cáo.
Hoạt động của Quỹ TGPL: Điểm mới trong công tác quản lý Quỹ là điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ, giúp đỡ tài chính không theo kiểu bình quân như trước đây, mà tăng cường đầu tư cho những địa phương có nhu cầu lớn, thực hiện TGPL có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu TGPL đa dạng của nhân dân. Khác với những năm trước, năm nay đã khắc phục việc kế hoạch của Quỹ thường được xây dựng và triển khai hỗ trợ chậm (vào tháng 8 và tháng 9 hàng năm). Năm 2008 đã thực hiện xây kế hoạch năm theo hướng tập trung vào những địa phương có khó khăn, chưa được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Dự án hay từ các Chương trình khác để có kế hoạch rà soát lại các hoạt động để các Trung tâm TGPL được hỗ trợ từ Quỹ TGPL trong năm 2008, tránh sự trùng lặp với các hoạt động mà Trung tâm đã được hỗ trợ trước đây.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã phát biểu bổ sung về các nội dung trong báo cáo chưa đề cập hoặc đề cập còn chưa đầy đủ. Đồng chí Cục trưởng bổ sung: trong báo cáo còn thiếu như: các văn bản đã được thông qua: Quyết định của Thủ tướng về việc thành lập Quỹ TGPL, Thông tư liên tịch với Hội Cựu chiến binh (tham gia). Bộ tiêu chuẩn chất lượng, Quy tắc nghiệp vụ, Thông tư quản lý nhà nước, Thông tư về biên chế, Thông tư về tài chính… đã lấy ý kiến địa phương, các Bộ, ngành có liên quan. Bộ tiêu chuẩn chất lượng là văn bản công phu, phức tạp vì vậy việc xây dựng còn khó khăn. Quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ cũng cần phải lấy ý kiến của địa phương mặc dù một số đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị có liên quan đã góp ý. Các hoạt động của Dự án còn chờ đối tác duyệt kinh phí (thứ 6 vừa rồi mới duyệt kế hoạch) nên có thể sẽ chậm…
Đồng chí Chu Văn Thịnh - Phó Cục trưởng: Hiện nay, lãnh đạo Trung tâm chưa có lớp học nào về quản lý nhà nước trên địa bàn về TGPL, quản lý ngay tại Trung tâm và các đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Luật TGPL. Ngay tại Cục, cán bộ cũng phải được đào tạo về quản lý nhà nước về TGPL, nội dung, chương trình hình thức sẽ tính sau, lớp như chuyên viên thông thường thì chưa đủ. Vấn đề nghiệp vụ: nếu không có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, chuyên gia thì không đánh giá được chất lượng vụ việc TGPL, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ…
Đồng chí Trần Huy Liệu - Phó Cục trưởng: phải khắc phục khó khăn bất cập trong 6 tháng đầu năm để hoàn thành kế hoạch năm. Trong chương trình 6 tháng cuối năm phải tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc, trong đó tập trung các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TGPL, vì có một số điều, địa phương hiểu chưa thống nhất. Cục có chỉ đạo các địa phương khắc phục những bất cập trong thời gian vừa qua. Đối với dự án tổng triển khai thực hiện đồng bộ sau khi được đối tác phê duyệt. Chương trình 135 cũng khẩn trương thực hiện cho tốt. Chính phủ đã ban hành Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm, Chi nhánh. Để thực hiện thì phải có tổ chức và con người, nhưng nguồn để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý thiếu. Nên chăng cho nợ bồi dưỡng kỹ năng Luật sư… Một số địa phương khi ra bào chữa chưa tự tin thì cần có thời gian theo Luật sư học tập, trang bị thêm kỹ năng bào chữa, tham gia tố tụng tại toà. Dự án đang hỗ trợ vụ việc bào chữa, một số địa phương do vụ việc ít nên Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện mà giao cho Luật sư cộng tác viên. Đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép Cục mở thêm 1 số lớp nữa để có Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm thực hiện TGPL theo Luật.
Đồng chí Bùi Thu Hằng - Phó phòng Nghiệp vụ: qua đi công tác một số tỉnh, đề nghị Cục tổ chức tập huấn lớp 20 ngày cho Trợ giúp viên pháp lý vì còn chưa tự tin khi ra toà tham gia tố tụng; nhiều tỉnh cử cán bộ đi học lớp Luật sư, nhưng do kinh phí còn hạn chế và thiếu cán bộ… đề nghị Cục có phương án hỗ trợ kinh phí cho những địa phương có khó khăn, ví dụ: Học viện Tư pháp miễn đào tạo Luật sư cho các tỉnh khó khăn. Vấn đề tạo nguồn: nên chăng thực hiện lộ trình trước đây như: nợ đầu vào lớp Luật sư, sau đó tổ chức học sau.
Đồng chí Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng: quan trọng là có đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có chất lượng, không phải là chỉ có chức danh Trợ giúp viên pháp lý mà không thực hiện được công việc. Đề nghị Bộ sớm phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ địa phương đi học, nhất là những địa phương có khó khăn, có thể lấy từ Quỹ TGPL. Vấn đề hướng dẫn nghiệp vụ, Bộ cũng có định hướng để Sở Tư pháp hướng dẫn tổ chức tham gia TGPL. Vấn đề phối hợp liên ngành: cần quan tâm họp, vì từ đầu năm đến giờ chưa họp Hội đồng ở Trung ương. Về con người: nếu chờ Nghị đinh 62 sửa đổi sẽ lâu và không cần thiết, đề nghị lãnh đạo Bộ sớm phê duyệt để Cục có thể tuyển viên chức sự nghiệp thì sẽ nhanh hơn, sớm bổ sung biên chế cho Cục.
Đồng chí Lê Thị Hiên - Trưởng Văn phòng TGPL cho phụ nữ: đề nghị hoạt động của Văn phòng: Văn phòng không có dấu, đối với vụ việc kiến nghị phải đến Cục, Cục duyệt, sau đó đồng chí Thứ trưởng duyệt thì sẽ mất nhiều thời gian, trong khi Văn phòng thấy có cơ sở để kiến nghị, đề nghị Cục có cơ chế như thế nào để kiến nghị của Văn phòng được thực hiện nhanh chóng..
Đồng chí Phạm Quang Đại - Trưởng phòng Nghiệp vụ: qua theo dõi nghiệp vụ, địa phương đã có đề án nhưng còn quy hoạch treo, vì đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng chưa có người. Nguyên nhân: do thiếu cán bộ, năng lực điều hành của người đứng đầu, thiếu sự quan tâm của lãnh đạo Sở. Đề nghị Bộ có công văn yêu cầu Sở Tư pháp có giải pháp bổ sung cán bộ. Chương trình 135 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: qua 2 năm triển khai các tỉnh mới thành lập Câu lạc bộ nhưng chưa có kinh phí do chuyển kinh phí xuống địa phương chậm nên khó thực hiện. Đề nghị lãnh đạo Bộ cho ý kiến về việc một số địa phương còn thực hiện tư vấn cho mọi đối tượng.
Đồng chí Nguyễn Hà Nga - Phó Trưởng văn phòng TGPL cho phụ nữ: Văn phòng 6 tháng thực hiện nhiều vụ việc, sau khi vụ việc được giải quyết thì cần có cơ chế để biết những vụ việc đó kết quả đó như thế nào. Cục cũng thực hiện kiến nghị nhanh hơn để bảo đảm được thời hiệu của vụ việc. Có nhiều đối thoại giữa cán bên, các vụ kiến nghị sẽ có chất lượng hơn, đồng thời giải toả những vấn đề khúc mắc giữa các bên. Về vấn đề đào tạo, Cục nên làm việc với Vụ Tổ chức cán bộ để xem có kinh phí để hỗ trợ cán bộ TGPL tham gia lớp học Luật sư không.
Đồng chí Vũ Hồng Tuyến - Phó trưởng phòng Hành chính tổng hợp: hiện nay được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ, Cục đã làm việc với UBND thành phố và họ đã giới thiệu địa điểm cho Cục tại Tây Nam Kim Giang 1. Hiện nay, Cục đang làm thủ tục cấp sổ đỏ và xây dựng đề án xây dựng. Tuy nhiên, để có cơ sở xây dựng Đề án xây dựng thì trân trọng đề nghị lãnh đạo Bộ sớm phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Cục.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thay mặt lãnh đạo Bộ hoan nghênh Cục tổ chức hội nghị sơ kết và nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng kết quả mà cán bộ, công chức Cục TGPL đã được trong 6 tháng vừa qua, chúc Cục hoàn thành kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm. Cục TGPL là tiên phong trong sơ kết 6 tháng đầu năm, qua đó thấy được sự chủ động tích cực, đeo bám công việc, lo lắng để công việc hoàn thành. Cán bộ, công chức và khách mời tham dự Hội nghị đông đủ và có nhiều ý kiến tranh luận phát biểu. Cục đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ về kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc. Qua hội nghị đã có nhiều ý kiến bổ sung để hoàn thành được kế hoạch 6 tháng cuối năm. Các mặt công tác xây dựng văn bản, hướng dẫn nghiệp vụ, kiện toàn tổ chức,… Cục đều đã triển khai toàn diện và các mặt đó đều có kết quả tốt. Đây là sự cố gắng, nỗ lực lớn của tập thể cán bộ công chức Cục TGPL. So với 6 tháng cùng kỳ thì tăng hay giảm thì đề nghị bổ sung, về mặt kiện toàn tổ chức có bổ sung gì không. Lãnh đạo Bộ tin tưởng Cục sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đã đề ra.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số văn bản chưa được ban hành do những nguyên nhân khách quan như đã trình lãnh đạo Bộ hoặc chờ các Bộ ngành ký (văn bản liên tịch) hoặc còn phải chờ Nghị định 62 sửa đổi. Tuy nhiên, Cục cần chủ động hơn nữa, như sang làm việc, gọi điện cho Bộ, ngành có liên quan. Bộ có văn bản đề nghị địa phương sắp xếp cán bộ, có thể hỗ trợ kinh phí đào tạo, sau khi về Trung tâm thì không được luân chuyển. Lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với Học viện Tư pháp: đối với những địa phương khó khăn có thể giảm hoặc miễn kinh phí đào tạo. Nợ tiêu chuẩn đối với Trợ giúp viên pháp lý nghe thì có vẻ dễ nhưng để trả nợ thì khó (thực trạng Thẩm phán, Chấp hành viên…). Về chất lượng vụ việc TGPL: có biện pháp hữu hiệu giám sát, nâng cao chất lượng TGPL. Sự phối hợp, cơ chế phối hợp: không chỉ giữa Cục với Trung tâm, mà còn giữa Cục với cơ quan hữu quan, với cơ quan địa phương… để bảo đảm hoạt động TGPL thông suốt, hiệu quả. Những vướng mắc thì họp để rút kinh nghiệm, để hiệu quả chất lượng cao hơn.
Do trụ sở Bộ chật hẹp, nên Bộ có kế hoạch đưa những đơn vị sự nghiệp ra ngoài khuôn viên Bộ, trước mắt sẽ thuê địa điểm làm việc cho một số Cục, về lâu dài thì Bộ sẽ xin đất xây dựng trụ sở cho các đơn vị này.
Vũ Hồng Tuyến - Cục TGPL