Cục Trợ giúp pháp lý ban hành bảng chấm điểm thi đua đối với các tập thể, cá nhân thuộc Cục

15/07/2008
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 07/2006/TT-BTP ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp, ngày 15/7/2008, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-CTGPL ban hành Bảng chấm điểm thi đua đối với các tập thể, cá nhân công tác tại Cục Trợ giúp pháp lý.
Bảng chấm điểm thi đua là một trong những căn cứ để hàng năm Cục đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc và thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, cán bộ, công chức Cục Trợ giúp pháp lý.
Theo Quyết định số 262/QĐ-CTGPL, Bảng chấm điểm thi đua đối với các tập thể, cá nhân công tác tại Cục Trợ giúp pháp lý chia thành 2 loại: cho tập thể và cá nhân.
1. Thang điểm cho tập thể là 100 điểm, chia thành thang điểm chung áp dụng cho tất cả các tập thể thuộc Cục là 70 điểm và thang điểm riêng áp dụng đối với từng tập thể thuộc Cục là 30 điểm.
- Những yêu cầu của thang điểm chung đối với các đơn vị thuộc Cục là: xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị và bảo đảm thực hiện kế hoạch theo đúng tiến độ đề ra; có sáng kiến đổi mới lề lối, phương pháp làm việc; tuân thủ chế độ thống kê, báo cáo đầy đủ (tháng, quý, 6 tháng và năm), lưu trữ sắp xếp hồ sơ tài liệu khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; tuân thủ nội quy, quy chế, thời gian làm việc, thực hiện văn hoá công sở, giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, bảo vệ tài sản công; thanh toán các hoạt động xây dựng văn bản, hội thảo, toạ đàm, hội nghị và các hoạt động khác kịp thời… sau khi công việc kết thúc và có sự phối hợp tốt, hiệu quả với các đơn vị trong Cục và có tinh thần đoàn kết, xây dựng đơn vị.
- Đối với thang điểm riêng sẽ có những yêu cầu riêng với từng đơn vị thuộc Cục phù hợp với nhiệm vụ cụ thể của đơn vị đó. Ví dụ: Phòng nghiệp vụ yêu cầu là: soạn thảo, tham gia soạn thảo, góp ý các văn bản được Cục trưởng phân công; triển khai hướng dẫn, đôn đốc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, giải đáp vướng mắc của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; triển khai thực hiện tốt chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình 135 giai đoạn 2, Chương trình xoá đói giảm nghèo…). Phòng Hành chính - tổng hợp: yêu cầu thực hiện tốt chế độ thống kê, báo cáo theo quy định; tổng hợp, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất; thực hiện tốt chế độ văn thư, lưu trữ; xây dựng và theo dõi chương trình, kế hoạch tổ chức các phong trào thi đua, khen thưởng. Phòng Kế toán tài chính: bảo đảm việc lập dự toán, thực hiện thu chi, chế độ thuế và các thanh quyết toán có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, hợp lệ và kịp thời theo quy định; đối chiếu sổ sách của các tài khoản trực thuộc Cục, lập báo cáo tài chính đầy đủ và chính xác; tham gia ý kiến cho các vấn đề tài chính và hướng dẫn các địa phương về Kế toán tài chính (bao gồm cả hoạt động về tài chính của Dự án)…
2. Đối với cá nhân, chỉ có 1 thang điểm chung áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức thuộc Cục là 100 điểm.
Những yêu cầu của thang điểm chung là cá nhân: có kế hoạch công tác tháng, 6 tháng, năm và hoàn thành kế hoạch công tác, nhiệm vụ được giao; có sáng kiến cải tiến lề lối, phương pháp làm việc hoặc có ý thức nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác (có bài đăng tạp chí, sách đăng báo, trang Web của Bộ, Cục Trợ giúp pháp lý), có chuyên đề được Cục sử dụng; tuân thủ nội quy, quy chế làm việc, kỷ luật lao động, giữ gìn vệ sinh phòng làm việc; thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không tham nhũng, không gây mất đoàn kết; có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng làm việc; có tinh thần giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt chế độ lưu trữ, sắp xếp tài liệu gọn gàng và khoa học, tiện cho việc tra cứu; tham gia tích cực các hoạt động đoàn thể xã hội và các công việc khác được giao.            
Quyết định số 262/QĐ-CTGPL có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
                                                         Vũ Hồng Tuyến - Cục Trợ giúp pháp lý