Bộ Tư pháp tổ chức lớp tập huấn Luật Tương trợ tư pháp

15/07/2008
Bộ Tư pháp tổ chức lớp tập huấn Luật Tương trợ tư pháp
Thực hiện Quyết định số 133/QĐ-BTP ngày 31/01/2008 và Quyết định số 1210/QĐ-BTP ngày 30/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành tư pháp năm 2008 và mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế và tập huấn Luật Tương trợ tư pháp, từ các ngày 14 đến 16/7/2008, Bộ Tư pháp đã tổ chức lớp tập huấn Luật Tương trợ tư pháp tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Chủ trì Lớp tập huấn có đồng chí Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên và đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng, thành phần tham dự lớp tập huấn có các đồng chí đại diện đến từ Sở Tư pháp, Toà án nhân dân các tỉnh miền Bắc. Ngoài các báo cáo viên của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao còn có các đại diện của Văn phòng Tổng chưởng lý Úc. Trong thời gian ba ngày lớp tập huấn dự kiến tập trung phổ biến các nội dung liên quan đến tổng quan về Luật tương trợ tư pháp; các quy định tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự; hoạt động của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong tương trợ tư pháp về dân sự; các quy định về dẫn độ và vai trò của Toà án trong dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Tại lớp tập huấn các học viên cũng sẽ được nghe báo cáo viên của đại diện Văn phòng Tổng chưởng lý Úc báo cáo về tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao tù nhân quốc tế theo pháp luật Úc… điểm đặc biệt của lớp tập huấn là các học viên sẽ thực hiện bài tập thực hành liên quan đến các nội dung của tương trợ tư pháp dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên và chuyên gia Úc.

 Phát biểu tại Lớp tập huấn, đồng chí Thứ trưởng thường trực cho rằng tương trợ tư pháp là một hoạt động quan trọng của các cơ quan tư pháp, tuy nhiên hoạt động này triển khai ở các địa phương chưa được sâu, chính vì thế việc thực hiện tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn đã tạo nên những trở ngại nhất định cho hoạt động tư pháp. Lớp tập huấn lần này thực sự là cần thiết, bên cạnh mục đích tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Tương trợ tư pháp, còn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng trong hoạt động tương trợ tư pháp cho cán bộ, chuyên viên thực hiện hoạt động này. Luật Tương trợ tư pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XII kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008, Luật gồm 7 Chương và 72 Điều, trong đó có những quy định mới đã hệ thống hoá lại tổ chức và hoạt động của tương trợ tư pháp.

Trong phần báo cáo của mình, đồng chí Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh rằng tương trợ tư pháp quốc tế ngày càng trở thành hoạt động không thể thiếu của các cơ quan tư pháp, trợ giúp pháp luật trong quá trình xử lý những vấn đề xuyên quốc gia, trong phát triển quan hệ nhiều mặt giữa các quốc gia với nhau không chỉ là nhân tố góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi mà còn là nhu cầu phát triển nội tại của mỗi nước. Hệ thống pháp luật tương trợ tư pháp của Việt Nam khá chặt chẽ, trước khi Luật tương trợ tư pháp ra đời, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 có 7 điều, Bộ Luật tố tụng dân sự có 47 điều quy định về vấn đề này, tính đến này Việt Nam đã ký 14 Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước. Đồng chí cũng lưu ý rằng khi nghiên cứu Luật Tương trợ tư pháp cần phải chú ý đến một số nội dung quan trọng về: phạm vi điều chỉnh của Luật, vấn đề về cơ quan đầu mối ở Trung ương, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại, chi phí cho việc thực hiện các uỷ thác tư pháp và thẩm quyền ra quyết định dẫn độ.

Trần Thị Tuý