Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về bình luận, góp ý để hoàn thiện sổ tay “Kỹ thuật soạn thảo, thẩm định và đánh giá tác động của VBQPPL”

10/07/2008
Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có những giai đoạn gần như lặp lại của giai đoạn trước, tuy nhiên soạn thảo, thẩm định và đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật được coi là ba giai đoạn có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của một văn bản quy phạm pháp luật trong suốt cả quy trình xây dựng văn bản. Ba giai đoạn này đã được quy định chi tiết trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên để có chất lượng thì cán bộ tiến hành thực hiện những hoạt động này cần phải có những kinh nghiệm và kỹ năng nhất định.

Trong khuôn khổ Chương trình “Hỗ trợ thực thi chiến lược phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010” của Dự án VIE 02/015, với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và tư vấn của chuyên gia quốc tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính đã tổ chức soạn thảo cuốn “Sổ tay về kỹ thuật soạn thảo, thẩm định và đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật” nhằm nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật. Để hoàn thiện cuốn Sổ tay, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo để các chuyên gia tiếp tục bình luận, góp ý, Hội thảo sẽ diễn ra vào các ngày 9 và 10/7/2008 tại tỉnh Quảng Ninh. Thành phần tham dự Hội thảo gồm các Chuyên gia Đức; đại diện của Vụ pháp chế, một số Vụ chuyên ngành của các Bộ, ngành; Công báo; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp như Vụ Pháp luật dân sự kinh tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục TGPL, Cục Thi hành án dân sự, Trường Đại học Luật… Dự thảo sổ tay chia làm bốn phần chính gồm: Quy trình đề nghị xây dựng văn bản luật; kỹ thuật soạn thảo; kỹ thuật thẩm định và đánh giá tác động pháp luật. Điều đặc biệt của nội dung cuốn sổ tay là các chuyên gia đã cập nhật những nội dung liên quan của Luật ban hành văn bản QPPL mới như một luật sửa nhiều luật; yêu cầu cơ quan ban hành văn bản luật phải tìm các văn bản luật cũ có liên quan không còn phù hợp, mâu thuẫn  trình Chính phủ, Quốc hội xem xét; yêu cầu về đánh giá tác động của Dự thảo văn bản luật. Dự kiến trong thời gian 02 ngày Hội thảo sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề chủ yếu như: về một luật sửa nhiều luật; lúc nào cần ban hành văn bản luật sửa đổi, bổ sung, lúc nào cần ban hành luật thay thế; các yêu cầu khi ban hành văn bản uỷ quyền; khi nào cần ban hành văn bản hợp nhất, soạn thảo văn bản hợp như thế nào, tiêu chí của hợp nhất văn bản là gì; đánh giá tính khả thi của văn bản luật; xác định chính xác thời gian có hiệu lực, bắt đầu có hiệu lực và hết hiệu lực của văn bản luật; việc thẩm định văn bản QPPL có đơn thuần chỉ thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo hay là thẩm định cả nội dung văn bản….

Phát biểu tại Hội thảo các Chuyên gia Đức đã chia sẻ kinh nghiệm về các yếu tố đánh giá một đạo luật tốt; tính cấp thiết của việc ban hành văn bản luật; kiểm tra tính đúng đắn về hình thức của văn bản luật; ý nghĩa, nội dung  của đánh giá tác động văn bản luật; nguyên tắc tin tưởng và hiệu lực hồi tố của văn bản luật; luật gốc, luật sửa đổi, một luật sửa nhiều luật.

  Cuốn sổ tay ra đời thực sự có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh thực tiễn về sự phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp của các mối quan hệ xã hội đòi hỏi phái có các văn bản quy phạm pháp luật không những điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ xã hội mà còn phải nội luật hoá các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam, Cuốn sổ tay cũng nhằm hướng tới mục tiêu ban hành những văn bản luật minh bạch, dễ tiếp cận để hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn bởi xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện cũng đồng nghĩa với việc xây dựng niềm tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Trần Thị Tuý