Toạ đàm về mô hình và kinh nghiệm của các nước trong tổ chức ngành Tư pháp

07/07/2008
Toạ đàm về mô hình và kinh nghiệm của các nước trong tổ chức ngành Tư pháp
Sáng 7/7, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chủ trì buổi toạ đàm về mô hình và kinh nghiệm của các nước trong tổ chức ngành Tư pháp, nhằm thu thập thêm ý kiến đóng góp để xây dựng và hoàn thiện đề tài: “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá”. Tham dự toạ đàm còn có nguyên Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, cố vấn trưởng Dự án STAR Việt Nam – ông John Bentley, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Trong bài tham luận “Mô hình tổ chức ngành Tư pháp của một số hệ thống pháp luật thuộc truyền thống Common law , TS. Nguyễn Thị Ánh Vân – Giám đốc Trung tâm Luật So sánh (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, ngành Tư pháp hoạt động hiệu quả là vấn đề mấu chốt để đảm bảo thực hiện nguyên tắc pháp trị. Điều này lý giải tầm quan trọng và cần thiết của việc hoàn thiện ngành tư pháp của một quốc gia, cũng như trong quá trình hợp tác và phát triển giữa các quốc gia. Trong quá trình đó, chỉ soạn thảo luật mới thì chưa đủ mà còn cần phải cải tổ cả các hệ thống tổ chức có liên quan, nhằm đảm bảo hiệu quả trong áp dụng và cưỡng chế pháp luật. Qua tham luận của mình, bà Vân đã giới thiệu với các đại biểu tham dự toạ đàm về cơ cấu, tổ chức và chức năng cơ bản của Bộ Tư pháp (hoặc cơ quan tương đương), Hệ thống Toà án, Viện Công tố, Cơ quan thi hành án của các nước theo hệ thống common law là Anh, Mỹ, Australia và Singapore. Đồng thời bà Vân cũng chỉ rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong tổ chức ngành tư pháp của các quốc gia này trên cơ sở xem xét đến những yếu tố kinh tế, xã hội dẫn đến những sự tương đồng và khác biệt đó; nghiên cứu mối quan hệ giữa các thành tố nói trên của ngành tư pháp với nhau và với cơ quan lập pháp (quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Toà án, với Chính phủ, với Cơ quan công tố, với Cơ quan thi hành án và với Quốc hội). Từ đó, bà Vân muốn đưa ra xem xét khả năng ứng dụng kinh nghiệm tổ chức ngành tư pháp của các nước nói trên trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển ngành tư pháp Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe ông J.Bentley giới thiệu kỹ hơn về tổ chức tư pháp của Hoa Kỳ; nghiên cứu về tổ chức tư pháp ở các nước theo truyền thống civil law (Pháp, Đức) và các nước có nền kinh tế chuyển đổi (Nhật Bản); được ông Bentley và bà Vân giải đáp những vấn đề liên quan đến các nội dung đã được trình bày để làm rõ hơn những đặc trưng về tổ chức tư pháp ở một số nước. Trên cơ sở đó, rút ra được nhiều kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn cho đề tài “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá” do Bộ trưởng Hà Hùng Cường là chủ nhiệm./.

H.Giang