Sáng 10/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 909 (thường gọi là Chương trình 909) từ năm 2003 với mục tiêu quan trọng là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL cũng như đề cao trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình 909, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Phạm Văn Lợi cho biết, việc triển khai Chương trình 909 của Bộ Tư pháp được đặt trong tổng thể 4 nội dung cơ bản của Chương trình cải cách hành chính (cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công). Thông qua các hoạt động của 5 Đề án, về cơ bản, Chương trình đã hoàn thành được các yêu cầu đề ra với những thành tựu rất rõ nét. Cụ thể, đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chương trình góp phần bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ và chất lượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện 28 Báo cáo chuyên đề góp phần giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở xây dựng dự thảo các đề án, các VBQPPL; nghiên cứu, soạn thảo hàng loạt các tiểu đề án và thí điểm một số nội dung kiến nghị cụ thể từ các Đề án trong thực tiễn; biên soạn 4 cuốn sách hỏi đáp và chuyên khảo về kết quả của Chương trình; tổ chức 10 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ trực tiếp xây dựng VBQPPL ở TƯ và địa phương… Đặc biệt, đã trình Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành theo thẩm quyền các dự thảo VBQPPL là kết quả của Chương trình, gồm Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật trên. Ông Lợi nhấn mạnh, Bộ Tư pháp với vị trí là cơ quan của Chính phủ được giao chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và kiểm tra VBQPPL nên các kết quả nghiên cứu của Chương trình được chuyển hoá ngay hoặc được thí điểm luôn trong hoạt động hàng ngày của các đơn vị thuộc Bộ.
Theo đại diện Ban Chủ nhiệm Đề án 1 – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ, trong công văn nhiều Bộ, ngành gửi sang cho Vụ đề nghị đưa dự án luật, pháp lệnh vào lập dự kiến chương trình xây dựng VBQPPL dài hạn và hàng năm mà Tờ trình thậm chí chỉ vẻn vẹn một trang giấy(?!). Vì vậy, ông Huệ mong muốn, các Bộ, ngành phải xác định đúng tầm quan trọng của dự án luật, pháp lệnh định chủ trì soạn thảo để Chính phủ, Quốc hội có cơ sở sắp xếp thứ tự ưu tiên. Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Quốc Việt (Đề án 2) phấn khởi báo cáo, nhiều đề xuất khoa học của Đề án đã được Quốc hội khoá XII chấp nhận khi thông qua Luật ban hành VBQPPL mới như đơn giản hoá trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL, thu gọn các loại VBQPPL… Còn qua khảo sát thực tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng (Đề án 4) nêu ra một con số, khoảng 2/5 cán bộ ở TƯ và khoảng một nửa cán bộ địa phương có “thâm niên” tham gia xây dựng pháp luật dưới 5 năm. Bởi thế, kinh nghiệm và kỹ năng đương nhiên là ít, nhất là thiếu và yếu khả năng phân tích chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước trước khi xây dựng một văn bản. Ông Quảng kiến nghị, cần phải tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức này thì mới nâng cao được chất lượng VBQPPL. Đại diện cơ quan thực hiện Đề án 5, bà Dương Thị Thanh Mai - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cho biết, Đề án đã thiết kế một cơ chế “mở” đối với người dân (huy động ngay từ đầu sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và nhân dân vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL) và “buộc” đối với cơ quan nhà nước (phải lắng nghe, tiếp thu và giải trình) nhằm đi tới mục đích cuối cùng là cả Nhà nước và người cùng có lợi.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên khẳng định, những kết quả thu được từ Chương trình 909 đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế về xây dựng, ban hành VBQPPL. Theo Thứ trưởng, các kiến nghị khoa học (khoảng 50 kiến nghị) của Chương trình sẽ tiếp tục được in ấn thành sách tham khảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng thừa nhận, Chương trình vẫn còn một số hạn chế như tiến độ thực hiện chậm so với dự kiến, một số chuyên đề triển khai chưa quyết liệt, ý tưởng khoa học thì không thiếu nhưng lập luận chưa thuyết phục…
Cẩm Vân