Ngày 08/11/2024, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cơ quan thường trực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội thảo về Kết quả rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.
Hội thảo do ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Thường trực Tổ Công tác chủ trì. Tham dự có ông Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL; bà Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh, Tây Ninh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Tiền Giang… và Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, xử lý văn bản QPPL phục vụ Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06), trong đó bao gồm nhiệm vụ đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, phương án xử lý văn bản QPPL sau rà soát của Bộ Tư pháp đã mang lại những hiệu quả tích cực, những tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội và tiếp cận các dịch vụ thương mại thông qua định danh điện tử. Hội thảo được tổ chức hôm nay nhằm tiếp tục nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện sự phù hợp của kết quả rà soát, xử lý văn bản, những tiện ích đạt được và những khó khăn, vướng mắc trên thực tế thời gian qua, để từ đó đề xuất nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh ở góc độ pháp lý, hạ tầng thông tin, cơ chế phối hợp… nhằm đạt được mục tiêu cao nhất trong việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Tư pháp trình bày 02 tham luận: (i) Kết quả thực hiện và một số vấn đề đặt ra về rà soát, xử lý văn bản QPPL để đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp và (ii) Tình hình rà soát và phương án xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong lĩnh vực Bổ trợ tư pháp. Theo đó, qua rà soát, nghiên cứu xử lý, Bộ Tư pháp đã đề xuất phương án đơn giản hóa đối với 88 TTHC, được quy định tại 15 văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp (bao gồm 09 Thông tư và 06 Nghị định), bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó, riêng lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, thừa phát lại, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản tài viên, hòa giải thương mại), với 142 TTHC (số liệu tính đến năm 2024) là đối tượng thường xuyên được đưa vào các chương trình, đề án liên quan đến cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC. Về kết quả xử lý văn bản, hiện nay, 09/09 Thông tư đã được xử lý, 06/06 Nghị định đang trong quá trình xử lý (dự thảo các văn bản sửa đổi đã được thẩm định, trình Chính phủ). Cũng tại Hội thảo, bà Phạm Thị Tuyết Trinh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trình bày tham luận “Thực tiễn triển khai thực hiện phương án đơn giản hóa, xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Tư pháp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và kiến nghị, đề xuất”. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể phát sinh trong thực tiễn triển khai quá trình đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; đồng thời trong phạm vi trách nhiệm quản lý nhà nước được giao, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng đã giải đáp một số vướng mắc, khó khăn, giúp các đại biểu thống nhất phương án xử lý.
Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hồ Quang Huy ghi nhận, đánh giá cao ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận tích cực, tâm huyết, sát với thực tiễn của các đại biểu. Trên cơ sở kết quả rà soát và các kiến nghị, đề xuất của đại biểu, Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ tổng hợp, thông tin đến các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát và tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý trong một số trường hợp cụ thể, cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, qua đó thúc đẩy quá trình giải quyết hồ sơ, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, hiệu quả, an toàn./.
Phùng Thị Hương