Hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” 09/11 và trong khuôn khổ hoạt động của Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026”, ngày 08/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Dự thảo Báo cáo đánh giá sơ bộ về thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường hiệu quả thu thập số liệu thống kê về tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hàng năm trên địa bàn cả nước. Dự thảo Báo cáo do Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các chuyên gia đến từ Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê xây dựng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh mục đích của hoạt động này nhằm đánh giá một cách khách quan, chính xác tình hình đăng ký khai sinh, tổng hợp, thu thập số liệu thống kê về “Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hằng năm”, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tiếp tục thu thập và công bố được chỉ tiêu này ở Việt Nam nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra trong Tuyên bố cấp Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về đăng ký, thống kê hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Hội thảo, đại diện nhóm chuyên gia xây dựng Dự thảo Báo cáo đã tập trung trình bày về thực trạng quy trình, kết quả thu thập và những khó khăn trong quá trình thu thập số liệu thống kê phục vụ việc tính toán chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hàng năm” của các cơ quan có liên quan như: Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê; đồng thời, nhóm chuyên gia đã đề xuất chuẩn hóa khái niệm, phương pháp tính, nguồn số liệu và đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu thập chỉ tiêu.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia góp ý độc lập và các đại biểu tham dự Hội thảo đến từ Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Phòng Tư pháp, Trung tâm Y tế, Tư pháp cấp xã và Trạm Y tế của thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo thống nhất đánh giá chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hàng năm” là một chỉ tiêu quan trọng, phản ánh sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với việc bảo vệ quyền trẻ em; phản ánh năng lực, sự cố gắng của các cơ quan tư pháp, y tế và thống kê trên địa bàn cả nước trong quá trình thu thập số liệu. Nội dung thành phần của chỉ tiêu về “số trẻ em sinh ra trong năm” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chính sách vĩ mô về y tế, giáo dục,...Nhìn chung, việc thu thập số liệu thống kê phục vụ tính toán chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hàng năm” trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng và đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn những tồn tại hạn chế, nổi bật là một số quy định của pháp luật còn có sự bất cập, nhất là các quy định về thẩm quyền, thời hạn đăng ký khai sinh, phương pháp thu thập số liệu, phương pháp tính chỉ tiêu; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu về trích xuất dữ liệu và kết nối các phần mềm có liên quan; sự phối hợp chia sẻ thông tin thống kê hộ tịch giữa các bộ, ngành có liên quan chưa đáp ứng yêu cầu; sự nhận thức của người dân trong việc đi đăng ký khai sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng kinh tế - xã hội khó khăn còn hạn chế, lực lượng cán bộ tư pháp và y tế cơ sở, những người trực tiếp tham gia vào thống kê đăng ký khai sinh và trẻ em sinh ra còn mỏng, ít được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến thống kê,...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả thu thập chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh hàng năm”, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp, nổi bật là kiến nghị hoàn thiện thể chế về hộ tịch và thống kê hộ tịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, liên thông dữ liệu, chia sẻ thông tin thống kê hộ tịch và tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn công tác thống kê cho cấp cơ sở.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Lâm cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia độc lập và các đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp đã gợi mở nhiều ý tưởng cho nhóm chuyên gia và Cục Kế hoạch – Tài chính hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Báo cáo, qua đó giúp nâng cao chất lượng công tác thống kê nói chung và công tác thống kê hộ tịch nói riêng trong thời gian tới.
Diệu Thúy