Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024

09/11/2024
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024
Những năm qua, Ngày Pháp luật nước Việt Nam (9-11) đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị tích cực hưởng ứng và trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; từ đó nâng cao ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quán triệt nội dung về tư tưởng, định hướng mới của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài phát biểu gần đây về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh-gọn-mạnh, hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, để góp phần phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, gắn với liên hệ nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Cục Đăng ký) về quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công về đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi cung ứng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số số, kinh tế số, xã hội số, năm 2024, Cục Đăng ký đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác và đạt được một số kết quả nổi bật nhằm thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật năm nay.
 

 
 
Chủ động, tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm:

Trong tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục Đăng ký được giao xây dựng 05 Thông tư, đã hoàn thành 04 Thông tư[1]. Hiện nay, Cục đang tích cực hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký. Bên cạnh đó, Cục đang tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo các chính sách lớn, cơ bản trong nghiên cứu về đề xuất xây dựng Luật Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trên cơ sở nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, duy trì và đảm bảo trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội; minh bạch và dễ tiếp cận; mang tính hệ thống và chặt chẽ; góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển[2].

 
 
 
Trong triển khai tổ chức thi hành pháp luật, Cục Đăng ký đã tham mưu cho Bộ tổ chức thành công Hội nghị “Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất” cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước và cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của 63/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Công văn của Bộ Tư pháp gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương; phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; có nhiều giải pháp đổi mới công tác kiểm tra, công tác theo dõi thi hành pháp luật thuộc thẩm quyền.

Quản lý tốt hoạt động cung cấp dịch vụ công tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản, nâng cao hiệu quả vận hànhHệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm:

 
 
 
Công tác quản lý về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục được tăng cường, chú trọng vào chất lượng, hiệu quả, nhất là trong việc chỉ đạo, kiểm tra, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính tại các Trung tâm. Trong hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức Trung tâm làm công tác đăng ký, Cục đã ban hành Quy trình nghiệp vụ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm để áp dụng thống nhất tại các Trung tâm Đăng ký[3]. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký, tới đây, Cục sẽ tổ chức sát hạch đối với viên chức đăng ký, bảo đảm đội ngũ viên chức của các Trung tâm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác.
 
 
 
Từ ngày 19/3/2012 đến nay, Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đã được triển khai và vận hành ngày càng hiệu quả với tỷ lệ đăng ký trực tuyến chiếm 87% (tăng 5.5% so với cùng kỳ năm 2023). Hệ thống đang trực tiếp phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin cho hơn 10.523 tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác với hơn 8.002.898 hồ sơ đăng ký trong Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Trung bình mỗi ngày, các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục tiếp nhận và xử lý hơn 3.300 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, hơn 1.500 văn bản thông báo thế chấp phương tiện giao thông được gửi tới cơ quan đăng ký quản lý phương tiện và hơn 10.000 lượt tra cứu, tìm kiếm thông tin được thực hiện trên Hệ thống.
Việc cung cấp dịch vụ công toàn trình về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản được đánh giá, ghi nhận là điểm sáng của Bộ Tư pháp về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với dịch vụ đăng ký do Nhà nước cung cấp, qua đó giúp giảm thiểu tối đa chi phí xã hội, ngân sách nhà nước và ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện.

Xây dựng, phát triển mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản:

Cục đã xây dựng và phát triển dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo mô hình kết nối, chia sẻ thông qua việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, chia sẻ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); kết nối Hệ thống đăng ký trực tuyến với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến.

 
 
 
Từ ngày 01/1/2024 đến 31/10/2024, Cục đã ban hành 1.258 văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định (các cơ quan: Tòa án, công an, thi hành án, hải quan, thuế...); 750 trường hợp đề nghị cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm là cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền theo quy định; 697 trường hợp đề nghị cấp mới và 447 trường hợp đề nghị thay đổi thông tin về mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm cho các cá nhân, tổ chức.
 
 
 
Vinh danh Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc:

Với những con số “biết nói’ nêu trên, để ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của tập thể Lãnh đạo và công chức, viên chức, người lao động của đơn vị trong thực hiện chuyển đổi số về lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, ngày 05/10/2024, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm vinh dự đại diện cho Bộ Tư pháp được vinh danh là một trong 11 cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với sản phẩm “Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản” tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2024 (VDA). Đây là Giải thưởng tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Tạp chí điện tử VietTimes.

 
 
 
Một số hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2024 tại Cục Đăng ký:

Thực hiện kế hoạch truyền thông của Cục và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tập thể cấp ủy, Lãnh đạo Cục, nhằm phổ biến, tuyên truyền trực quan, sinh động về Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã triển khai việc in ấn, treo panô, áp phích, banner về Ngày Pháp luật Việt Nam tại trụ sở các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục.

 

        


Ngoài ra, Chi bộ Cục Đăng ký đã kịp thời tổ chức sinh hoạt chuyên đề bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt những định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cục cũng đã tiên phong, nêu gương xây dựng ý thức, văn hóa chấp hành, tuân thủ pháp luật trong giải quyết công việc và nếp sống hàng ngày.


   


Tới đây, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm dự kiến sẽ tổ chức Tọa đàm/Talk show đối thoại về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản và Hệ thống đăng ký trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức liên quan, hứa hẹn sẽ mang tới nhiều thông tin giá trị, hữu ích về lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
 
 
 
Với tinh thần “Thượng tôn Hiến pháp và Pháp luật, tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mỗi công chức, viên chức, người lao động trong toàn Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm luôn cố gắng, nỗ lực mỗi ngày hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác, chuyên môn để đưa pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm vào thực tiễn đời sống, đến với người dân, doanh nghiệp, để không chỉ riêng ngày 9/11 mà mỗi ngày trong năm đều là Ngày pháp luật./.
 

[1]Thông tư số 01/2024/TT-BTP ngày 01/02/2024 bãi bỏ một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp bảo đảm;Thông tư số 07/2024/TT-BTP ngày 02/8/2024 về bãi bỏ các thông tư liên tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên tịch ban hành về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; Thông tư số 10/2024/TT-BTP ngày 24/9/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đăng ký biện pháp bảo đảm; Thông tư số 11/2024/TT-BTP ngày 24/9/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp đăng ký biện pháp bảo đảm
[2] Trích Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
[3]Quyết định số 231/QĐ-CĐKGDBĐ ngày 30/9/2024 của Cục Đăng ký