Tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

04/06/2024
Tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1960/QĐ-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 – 2025”, Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật quốc tế) đã tổ chức các Lớp tập huấn Kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế năm 2024 cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước (Lớp dành cho cơ quan Trung ương và một địa phương miền Bắc, từ ngày 22 – 24/5/2024 tại Hà Nội và Lớp tập huấn dành cho một số địa phương khu vực miền Trung từ ngày 29 – 31/5/2024 tại Đà Nẵng). Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, được lãnh đạo Bộ Tư pháp giao chủ trì các lớp tập huấn.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh buổi tập huấn là nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để các cán bộ nhà nước làm công tác pháp luật, pháp chế, liên quan tới đầu tư nước ngoài nắm rõ được nhiều nội dung, yêu cầu từ góc độ pháp luật quốc tế, kinh nghiệm xử lý các vấn đề pháp lý, trong đó có các khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài; qua đó nâng cao hiệu quả, thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
 
 
Tại Lớp tập huấn, các đại biểu được nghe các giảng viên đến từ Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giới thiệu các chuyên đề về pháp luật đầu tư nước ngoài và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong bối cảnh Việt Nam thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu về thuế tối thiểu toàn cầu; những lưu ý đối với các cơ quan Trung ương và địa phương trong bảo hộ đầu tư trong FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo các Hiệp định này; vấn đề chủ trì, phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của các Bộ, ngành và địa phương. Ngoài ra, các đại biểu cũng được nghe các chuyên đề liên quan tới một số kinh nghiệm quốc tế từ các vụ kiện đầu tư quốc tế phát sinh do hành vi của Toà án và bài học cho Việt Nam; các lưu ý trong hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân để phòng ngừa các tranh chấp đầu tư quốc tế phát sinh. Trong quá trình tập huấn, các giảng viên chú trọng vào việc giới thiệu vấn đề dễ hiểu, sát với tình hình thực tiễn của bộ, ngành, địa phương, gợi mở các vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận và đề xuất được các giải pháp hữu ích để xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra.
 
 
Các Lớp tập huấn đã kết thúc thành công với sự tham gia của 80 đại biểu ở Trung ương và một địa phương khu vực miền Bắc và hơn 50 đại biểu tại một số địa phương khu vực miền Trung. Nhiều vướng mắc, bất cập của các đại biểu đã được đưa ra trao đổi, thảo luận, qua đó góp phần tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các đại biểu trong quá trình thực hiện, xử lý công việc.