Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham dự cuộc họp do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/02/2008. Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Đất đai, Vụ Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự, hành chính, Vụ Hành chính tư pháp, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) và một số thành viên của Tổ biên tập dự án Luật Đăng ký bất động sản.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chỉ rõ những vướng mắc, bất cập chủ yếu của pháp luật hiện hành liên quan đến đăng ký bất động sản (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản), đó là:
(1) Quy định phân tán, thiếu thống nhất tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tồn tại tách biệt;
(2) Thủ tục rườm rà, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân;
(3) Việc tìm hiểu các thông tin về tình trạng pháp lý của bất động sản gặp không ít khó khăn;
(4) Mô hình quản lý nhà nước và tổ chức hệ thống cơ quan đăng ký bất động sản hiện nay còn phân tán, chưa hiệu quả...
Thực tế đó dẫn đến hệ quả, trong suốt thời gian qua, thị trường bất động sản của nước ta hoạt động thiếu minh bạch, hiệu quả quản lý của nhà nước không cao, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân về bất động sản chưa có cơ chế bảo vệ hữu hiệu.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Luật Đăng ký bất động sản thành đạo luật chung, thống nhất điều chỉnh việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, Luật Đăng ký bất động sản phải thể hiện mạnh mẽ mục tiêu cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản theo hướng: tập trung, thống nhất vào một đầu mối, thực hiện “một giấy, một cơ quan đăng ký” và đơn giản hoá thủ tục đăng ký nhằm tạo thuận lợi cho người dân, song vẫn đảm bảo tốt yêu cầu quản lý nhà nước về bất động sản. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi giữa các Luật có liên quan phải thống nhất và đồng bộ, cụ thể là: Luật Đất đai chỉ điều chỉnh các nội dung về quản lý hiện trạng đất đai (ví dụ như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất), Luật Nhà ở quy định về chính sách phát triển, quản lý việc sử dụng nhà ở..., còn các nội dung về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và các quyền, các giao dịch về đất, tài sản gắn liền với đất được quy định tập trung, thống nhất trong Luật Đăng ký bất động sản. Ngoài ra, để thực hiện tốt chủ trương thống nhất cấp một loại giấy, một cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Nghị quyết số 07/2007/NQ12 của Quốc hội và hoàn thiện thể chế thị trường bất động sản, phục vụ mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi các Bộ, ngành có liên quan phải tích cực nghiên cứu, phối hợp trong việc xây dựng, chuẩn bị dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi, bổ sung) và Luật Đăng ký bất động sản (thuộc chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khoá XII).
Hồ Quang Huy - Cục Đăng ký QGGDBĐ