Quy định linh hoạt hay từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch là nội dung lớn được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 diễn ra ngày hôm nay (15/2). Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất chính là việc giải quyết những hệ quả pháp lý phát sinh từ nguyên tắc về quốc tịch sẽ được quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) như chuyện bảo hộ công dân, các quyền và lợi ích của người mang quốc tịch Việt Nam trong đầu tư, kinh doanh, sở hữu bất động sản, đi lại v.v… Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên chủ trì Hội nghị.
Vướng nhất là Điều 3
Báo cáo Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 do ông Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp trình bày tại Hội nghị cho biết, tính từ ngày 1/1999 đến tháng 12/2007 đã có 61.460 người xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Trong khi đó, số người xin nhập quốc tịch Việt Nam chỉ là 674 người (đã giải quyết 231 người). Số người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cũng như xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng lên.
Đánh giá về mặt tích cực của Luật Quốc tịch Việt Nam 1998, Bộ Tư pháp nhận định, sau 9 năm thực hiện Luật này, công tác quốc tịch đã có những bước phát triển mới, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về quốc tịch cũng như yêu cầu của người dân trong và ngoài nước về vấn đề quốc tịch. Tuy nhiên, hạn chế nhìn rõ nhất trong quá trình thực hiện Luật này là thời gian giải quyết các hồ sơ về quốc tịch còn kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật, gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, việc xử lý hồ sơ về quốc tịch chưa tập trung vào một đầu mối nên công tác quản lý về quốc tịch chưa được thống nhất. Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất về quốc tịch của toàn quốc. Vấn đề quan trọng hơn, theo phân tích của nhiều đại biểu tham gia Hội nghị và cũng là các thành viên Ban soạn thảo dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), việc thực hiện nguyên tắc một quốc tịch triệt để như Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998 đã không đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
| |
Đằng sau quốc tịch là vấn đề chính sách
Thảo luận về nguyên tắc quốc tịch, vấn đề có tính chất cơ bản tại dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) lần này, các chuyên gia đã đưa ra nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Ông Trịnh Đức Hải (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) đề nghị bỏ nguyên tắc một quốc tịch, tức là bỏ luôn Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 rồi xử lý các vấn đề khác theo hướng này. Ông Trần Trọng Toàn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) lại băn khoăn: "Đúng là nguyên tắc một quốc tịch theo Luật năm 1998 không được thực hiện triệt để nhưng nếu từ bỏ nguyên tắc này thì Nhà nước phải giải quyết các hệ quả pháp lý phát sinh như quyền được đi về trong nước tự do, được mua nhà gắn với quyền sử dụng đất… của người mang quốc tịch Việt Nam. Nhưng ai có thể yêu cầu họ về nước thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ quân sự và một loạt các nghĩa vụ công dân khác? "
Ông Nguyễn Công Khanh, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp ý kiến: "Kinh nghiệm pháp luật quốc tế cho thấy chưa có quốc gia nào tuyên bố thừa nhận hai quốc tịch. Ngay cả những nước có quy định mềm dẻo, không yêu cầu người nhập quốc tịch phải từ bỏ quốc tịch gốc như Anh, Pháp, Canada… cũng đều yêu cầu tính trung thành rất cao đối với những người xin nhập quốc tịch nước họ". Bởi vậy, theo ông Nguyễn Công Khanh, nếu Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi lần này tuyên bố ủng hộ về mặt pháp lý vấn đề 2 quốc tịch thì sau này sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết các hệ luỵ phát sinh. Ý kiến mà ông Khanh đề xuất là nếu không thực hiện được nguyên tắc một quốc tịch triệt để thì nên quy định theo hướng linh hoạt, tức là giữ nguyên tắc một quốc tịch, nhưng có quy định những trường hợp đặc biệt được mang hai quốc tịch.
Chủ trì Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: "Đằng sau quốc tịch là vấn đề chính sách. Bởi vậy, việc bỏ hẳn hay chỉ sửa Điều 3 của Luật hiện hành phải căn cứ trên nhiều lợi ích khác nhau, trong đó chú trọng nhất là lợi ích quốc gia". Do đó, vấn đề nguyên tắc quốc tịch tại dự thảo Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi sẽ được tiếp tục thảo luận và xin ý kiến các cấp cao hơn. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo dự án Luật đề xuất hướng giải quyết triệt để những vấn đề liên quan đến quốc tịch mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp trong việc đơn giản thủ tục hành chính khi tiếp nhận và giải quyết các việc về quốc tịch như rút ngắn thời gian, bỏ Giấy chứng nhận trình độ tiếng Việt, Phiếu lý lịch tư pháp cho một số đối tượng và quy định linh hoạt nơi người dân nộp đơn xin giải quyết các việc về quốc tịch.
Hồng Thuý
Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998: " Nguyên tắc một quốc tịch: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam" |