Tọa đàm về dự thảo Luật thi hành án dân sự

21/02/2008
Để góp ý cho dự thảo 5 Luật thi hành án dân sự, ngày 21 tháng 02 năm 2008 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp đã diễn ra buổi Toạ đàm về Dự thảo luật thi hành án dân sự. Tham gia toạ đàm về phía Dự án Star Việt Nam có ông James F. Harrigan - Luật sư của cơ quan thi hành án San Francisco, California, Hoa Kỳ, ông John Bentley - Cố vấn trưởng Dự án Star Việt Nam.

Buổi Toạ đàm đã tập trung vào những vấn đề như: Dự thảo 5 và những quan điểm chỉ đạo; Dự thảo 5 và những điểm mới; Dự thảo Luật thi hành án dân sự và gợi ý những vấn đề cần tập trung thảo luận; các vấn đề quan trọng cần xem xét trong quá trình soạn thảo Luật thi hành án dân sự của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam - dựa trên phân tích các quy định về thi hành án dân sự của Dự thảo 25 Bộ luật thi hành án dân sự và đặc biệt là 12 điểm đề xuất của Star đối với việc sửa đổi dự thảo Luật thi hành án dân sự[1], bao gồm:

1. Để đảm bảo tính hiệu quả của quá trình thi hành án, cần đảm bảo vai trò chủ động hơn nữa của người được thi hành án trong giai đoạn này, có như vậy mới phù hợp với các thông lệ quốc tế phổ biến nhất. Theo cơ chế mang tính thông lệ quốc tế, cụ thể là người được thi hành án chủ động xúc tiến quá trình thi hành án thay vì phải chuyển giao từng bản án cho cơ quan thi hành án để thi hành, toà án sẽ chỉ giao bản án cho các bên liên quan, và người được thi hành án sẽ có những quyền hạn và nghĩa vụ sau:

a) Quyết định việc có cần thi hành bản án đó hay không và, nếu cần, thời điểm thi hành án là khi nào;

b) Trong trường hợp quyết định thi hành án, chuyển cho cơ quan thi hành án lệnh thi hành án của toà trong đó nêu chính xác khoản tiền thi hành án mà cơ quan thi hành án sẽ phải thu hoặc nêu rõ những việc cụ thể mà người phải thi hành án cần thực hiện;

c) Xác định các tài sản để cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế và sẽ chọn phương thức thi hành án;

d) Thanh toán các khoản phí liên quan tới hoạt động thi hành án; các khoản phí này sẽ là các khoản phí cố định được tính dựa trên các chí phí hợp lý liên quan tới những nguồn lực cần thiết để tiến hành từng hoạt động thi hành án có liên quan, chứ không phải là các khoản phí tính theo tỷ lệ phần trăm; 

e) Có quyền chuyển nhượng các bản án bằng tiền cho bất cứ ai và người được chuyển nhượng này sẽ có quyền thi hành án như thể mình là người được thi hành án; tuy nhiên không được chuyển nhượng các bản án trong đó buộc người phải thi hành án phải thực hiện một hành vi cụ thể nào đó vì đây là các bản án mang tính chất cá nhân đối với người được thi hành án.

Trên đây là một cơ chế rất hiệu quả và tiện ích vì theo đó, cơ quan thi hành án (1) sẽ không phải đứng ra tiếp nhận hoặc cố gắng thi hành từng bản án mà chỉ cần tiếp nhận và thi hành những bản án mà người được thi hành án quyết định là cần phải thi hành – cụ thể là khi người được thi hành án thấy rằng có thể xác định được đủ số tài sản để thi hành bản án đó; (2) sẽ không phải thực hiện việc xác định tài sản thi hành án (mặc dù cơ quan thi hành án có thể sẽ tham gia hỗ trợ người được thi hành án trong việc xác định tài sản thi hành án trên cơ sở sẽ nhận được một khoản phí cố định hợp lý như được quy định trong Dự thảo 3 của Luật); (3) sẽ không phải cố gắng thi hành những bản án không rõ ràng, mà thay vào đó họ sẽ chỉ thực thi một lệnh của toà trong đó nêu cụ thể và chính xác các khoản tiền thi hành án hoặc những hành vi mà họ cần phải cưỡng chế bên phải thi hành án thực hiện; (4) sẽ không phải đưa ra một quy trình thi hành án nào đó, mà chỉ hoạt động mang tính chất đáp ứng các yêu cầu của người được thi hành án liên quan tới các biện pháp thi hành án cụ thể đối với các tài sản cụ thể, hoặc chỉ cưỡng chế thực hiện các hành vi cụ thể mà thôi. 

2. Cần yêu cầu và hỗ trợ cho việc thi hành ngay mọi bản án theo các chuẩn mực của thông lệ quốc tế phổ biến nhất bằng cách loại bỏ mọi sự trì hoãn không cần thiết. Như vậy, sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho việc thi hành án có hiệu quả. Cả kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế đều cho thấy người phải thi hành án thường có xu hướng chuyển giao và che dấu tài sản của mình ngay khi bản án được tuyên. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ sau về những thời hạn trì hoãn cần phải loại bỏ: 15 ngày để toà án chuyển giao bản án cho cơ quan thi hành án (nếu thực hiện theo cơ chế mà người được thi hành án chủ động thực hiện quá trình thi hành án, thì toà sẽ chỉ việc trao bản án cho các bên liên quan và người được thi hành án có thể sẽ trao ngay lập tức bản án đó cho cơ quan thi hành án); 5 ngày làm việc để ra quyết định thi hành (đây là yêu cầu không cần thiết nếu thực hiện cơ chế mà người được thi hành án chủ động thực hiện quá trình thi hành án); thời hạn “tự nguyện” thi hành án; thời gian cần thiết để ra quyết định “cưỡng chế” thi hành án bổ sung; 5 ngày làm việc để thực hiện việc uỷ thác (không cần phải uỷ thác nếu người được thi hành án có quyền chủ động xúc tiến quá trình thi hành án với cơ quan thi hành án có thẩm quyền cho dù tài sản ở bất kỳ địa điểm nào, và cho tới khi bản án được thực hiện xong); 3 ngày thông báo trước khi kê biên bất động sản (mọi hành động kê biên cần được thực hiện ngay) v.v…. Mỗi một ngày nêu trên sẽ là cơ hội tốt để người phải thi hành án che dấu hoặc tẩu tán tài sản của mình và điều đó sẽ làm giảm bớt cơ hội thành công của quá trình thi hành án. Mỗi một ngày trì hoãn cũng sẽ là cơ hội để tham nhũng. Quá trình thi hành án chỉ có thể bị hoãn lại trên cơ sở một lệnh của toà án có thẩm quyền chứ không phải của cơ quan thi hành án. 

3. Cần tăng cường về cơ bản quyền hạn và vai trò của toà án trong quá trình thi hành các bản án của chính mình. Cụ thể là phải trao cho toà các quyền hạn sau:

a) Kiểm tra tính chất, giá trị vị trí tài sản riêng cũng như tài sản kinh doanh của người phải thi hành án, việc làm và thu nhập;

b) Yêu cầu các bên thứ ba, như cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng kiểm các phương tiện giao thông và các định chế tài chính, cung cấp thông tin về quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án;

c) Tuyên tội “bất tuân lệnh của toà” và tống giam hay phạt tiền bất cứ cá nhân nào gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng tới quá trình thi hành án hoặc không tuân lệnh của toà, hoặc ít nhất là phải có quyền yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố ngay lập tức các cá nhân hoặc cán bộ nhà nước không thi hành các bản án dân sự hoặc cản trở/gây trở ngại cho quá trình thi hành các bản án dân sự;

d) Yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án khi cần thiết và yêu cầu người phải thi hành án cung cấp tài sản hoặc một biện pháp để đảm bảo cho việc thi hành án trong trường hợp việc tạm đình chỉ thi án đó được thực hiện theo yêu cầu của người phải thi hành án;

e) Giải quyết nhanh chóng các khiếu nại của bên thứ ba liên quan tới tài sản thi hành án.

4. Chỉ nên quy định một cơ quan hành pháp duy nhất chịu trách nhiệm về các hoạt động thi hành án trên toàn quốc từ trung ương tới địa phương và chuyển vai trò “giám sát” hoặc “tổ chức” của các uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và Viện Kiểm sát thành “hỗ trợ” quá trình thi hành án khi được cơ quan thi hành án yêu cầu. Nếu quá nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm về hoạt động thi hành án sẽ dẫn tới tình trạng việc thi hành án bị trì hoãn, can thiệp và tạo cơ hội tham nhũng trong quá trình này. Vấn đề này được coi là lý do chính khiến cho quá trình thi hành án ở Việt Nam hiện nay kém hiệu quả và ít thành công. 

5. Cần quy định các quyền hạn thỏa đáng để các cơ quan thi hành án và các cán bộ thi hành án có thể thực hiện các bản án dân sự mà không phải dựa vào các cơ quan khác trong hầu hết các trường hợp, cụ thể là (a) quyền thu giữ tài sản; (b) quyền ra vào nhà ở, các toà nhà và đất đai nhằm mục đích thi hành án; (c) quyền mang theo người và sử dụng vũ khí để tự vệ và bảo vệ người khác (giống như lực lượng kiểm lâm và các cán bộ hải quan, ngoài lực lượng công an của Việt Nam); (d) quyền bắt giữ người có hành vi cản trở quá trình thi hành án; (e) quyền bán tài sản và đăng ký các giấy tờ tài liệu sở hữu quan trọng.  

6. Cần quy định rằng cơ quan thi hành án sẽ được tổ chức như một cơ quan trung ương được cơ cấu tới cấp quận huyện với ngân sách và nguồn lực thỏa đáng do ngân sách trung ương, chứ không phải ngân sách của uỷ ban nhân dân địa phương, cấp nhằm mục đích loại bỏ tư tưởng địa phương chủ nghĩa trong quá trình thi hành án.

7. Cần quy định rõ cơ quan thi hành án hoạt động động lập và không phải chịu ảnh hưởng của bất cứ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào.

8. Mặc dù hoạt động độc lập, song cơ quan thi hành án cũng phải có nghĩa vụ ngay lập tức tuân thủ và thi hành toàn bộ các bản án và lệnh của toà mà không được đặt bất cứ câu hỏi nào, không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện gì hoặc không được có bất cứ lưỡng lự nào.

9. Cơ quan thi hành án và các cán bộ thi hành án phải hoàn toàn chịu trách nhiệm giải thích với toà khi không thực hiện ngay các bản án và lệnh của toà.

10. Bên cạnh các quy định trên, cơ quan thi hành án và toàn bộ các cán bộ thi hành án, cũng giống như toà và các thẩm phán của toà phải được quyền miễn trừ trách nhiệm đối với những sai lầm có tính chất ngay tình của mình trong quá trình ban hành hoặc thực thi các bản án và lệnh. Làm sao phải đảm bảo rằng các thẩm phán và cán bộ của toà có thể ra các quyết định mà không sợ phải chịu trách nhiệm đối với sai lầm mắc phải khi thực hiện công việc một cách công tâm và lương thiện. 

11. Luật Thi hành Án cần quy định về việc đăng ký bản án tại Cơ quan đăng ký Quyền sử dụng Đất theo các thủ tục đơn giản để người được thi hành án cũng được hưởng các quyền và lợi ích tương tự như trường hợp người nhận thế chấp bất động sản của người phải thi hành án sẽ có quyền ưu tiên cao hơn so với quyền của bên nhận chuyển nhượng (bên thứ ba) các tài sản thế chấp sau đó.

12. Luật Thi hành Án cần quy định một cơ chế mạnh hơn và rõ ràng hơn về việc thi hành án khi người phải thi hành án là các cơ quan hay doanh nghiệp nhà nước.

Thi hành án dân sự là lĩnh vực rất phức tạp, do vậy để khắc phục những hạn chế, vướng mắc cả về thể chế pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật về thi hành án trong thực tiễn nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, buổi Toạ đàm góp ý Dự thảo 5 Luật thi hành án dân sự này là diễn đàn khoa học có ý nghĩa rất quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật thi hành án dân sự, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3, khoá XII vào tháng 5 năm 2008./. 


N.V.N


[1] Đề xuất của Star đối với việc sửa đổi dự thảo Luật thi hành án dân sự - Tài liệu Toạ đàm Luật thi hành án dân sự, Hà Nội ngày 21 tháng 02 năm 2008.