Họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

24/05/2023
Họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
Ngày 24/5, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định, bao gồm đại diện các bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Đại học Luật Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cho ý kiến cụ thể về sự cần thiết, quy định về nguồn lực tài chính và quy định về các trường hợp giải thể.
Thứ nhất, về sự cần thiết: thực hiện quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, hiện nay, các văn bản liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020… trong đó, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như: thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà trường; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục…Do đó, đa số các thành viên hội đồng thẩm định cho rằng việc xây dựng Nghị định là có cơ sở.
Thứ hai, về quy định nguồn lực tài chính để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non tư thục, trường tiểu học tư thục, trường trung học tư thục, các đại biểu cho rằng điểm c khoản 2 Điều 49 Luật Giáo dục quy định một trong những điều kiện hoạt động giáo dục là có “nguồn lực tài chính theo quy định để đảm bảo duy trì và phát triển hoạt động giáo dục”. Do đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại dự thảo Nghị định là phù hợp, nhưng việc quy định cần được tính toán, đánh giá trên thực tiễn, đồng thời có tính đến yếu tố phù hợp với điều kiện kinh tế phát triển (điều kiện nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các khu đô thị lớn...).
Thứ ba, về các trường hợp giải thể: Khoản 2 Điều 51 Luật Giáo dục quy định các trường hợp giải thể gồm: “vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường; hết thời hạn đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ; Mục tiêu và nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội; không bảo đảm chất lượng giáo dục; theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập trường”.  Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định tại các nội dung đã được quy định tại Luật mà chưa quy định rõ như thế nào là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức và hoạt động của nhà trường; không bảo đảm chất lượng giáo dục... Do đó, các thành viên hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể các trường hợp tại dự thảo.
Ngoài ra, các đại biểu tập trung có ý kiến vào một số vấn đề như: quy đinh về chuyển trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thành trường đại học; quy định về sáp nhập trường cao đẳng vào trường đại học; quy định về công nhận trường đại học thành đại học vùng hoặc đại học quốc gia; về đình chỉ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục...
Kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hạnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Nghị định. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.