Tập huấn HDSD Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ tại Hà Giang

09/12/2022
Tập huấn HDSD Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký BPBĐ tại Hà Giang
Trong 02 ngày từ 08-09/12/2022, tại tỉnh Hà Giang, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức Lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động được hỗ trợ bởi Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính của hai cơ quan thuộc Liên hợp quốc là UNDP và UNICEF. Lớp tập huấn do ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì.
 
 
Tham gia Lớp tập huấn có nhóm chuyên gia tập huấn gồm TS.Nguyễn Văn Hợi - Phó Tổ trưởng phụ trách Bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội và Thạc sỹ Nguyễn Thị Long - Giảng viên, Trường Đại học Luật Hà Nội; các đại biểu thuộc Ủy ban nhân dân, Sở Tư Pháp, Ban dân tộc, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Cục Thi hành án dân sự, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường chính trị tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng đến từ Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn.

       


Phát biểu khai mạc Lớp tập huấn, ông Nguyễn Hồng Hải cho biết,  hoạt động tập huấn này có mục tiêu nhằm hỗ trợ các cán bộ phổ biến pháp luật trong việc nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường tuyên truyền cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm theo chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó,  thực hiên mục tiêu cuối cùng là xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế gia đình, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua Lớp tập huấn cũng sẽ giúp cho các đối tượng phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số hiểu được về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm để sớm tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng thu nhập gia đình và ổn định cuộc sống; đặc biệt góp phần hỗ trợ cho phụ nữ chủ động vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu chính đáng, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ.

       

       


Tại Lớp tập huấn, hai giảng viên đã thực hiện tập huấn với các phương pháp tương tác tích cực với người học như hỏi và trả lời, thảo luận nhóm, truyền đạt kiến thức qua các trò chơi, giải quyết các bài tập tình huống. Phương pháp giảng dạy mới này được UNDP áp dụng khi thiết kế tài liệu và chương trình tập huấn tăng cường năng lực và được các học viên tích cực đón nhận, thực hiện tại hai khóa tập huấn. Bên cạnh đó, các đại biểu và các giảng viên cùng trao đổi hai chiều về các kiến thức tổng quan và nâng cao về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; về tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về dùng tài sản chung của vợ chồng, của hộ gia đình để bảo đảm và các lưu ý liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm; quy trình và các lựa chọn phù hợp để vay vốn tại ngân hàng. Ngoài ra, các giảng viên cũng đã đưa ra các bài tập tình huống giả định để các học viên trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm.
       

              
Bế mạc Lớp tập huấn, ông Nguyễn Hồng Hải thay mặt Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP, sự tham gia của tích cực của các chuyên gia, các đại biểu. Ông Nguyễn Hồng Hải cũng mong muốn, trong thời gian tới, Bộ tài liệu Sổ tay pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm này sẽ được sử dụng rộng rãi ở các địa phương trên cả nước, để góp phần nâng cao nhận thức pháp luật và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.