Sớm ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức của các Bộ

30/11/2022
Sớm ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức của các Bộ
Sáng ngày 29/11, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) chủ trì soạn thảo.
Thực hiện Nghị quyết số 08/2021/QH15 ngày 23/7/2021 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, các Bộ, ngành đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành mình. Để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều nhận định việc sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết bao gồm 10 nội dung chính, bao gồm: Mục 1 về tổ chức quán triệt việc thi hành, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động; Mục 2 về rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản; Mục 3 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Mục 4 về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Mục 5 về giải quyết một số vướng mắc, khó khăn khi tổ chức lại Tổng cục thành Cục; Mục 6 về việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách; Mục 7 về tài chính, tài sản và cấp đổi, thu hồi con dấu; Mục 8 về đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của pháp luật; Mục 9 về tăng cường năng lực và việc bố trí nguồn lực bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức mới được thành lập; Mục 10 về trách nhiệm thi hành.
Trong đó, các nội dung tại dự thảo Nghị quyết được các đại biểu quan tâm thảo luận tại cuộc họp như: việc quy định thời hạn hoàn thành đối với một số nhiệm vụ; việc thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của các Cục, Vụ sau khi thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hành chính… 
Theo đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, các Bộ, ngành căn cứ vào tình hình thực tiễn, chủ động phân công các tổ chức, đơn vị xây dựng văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức, đơn vị để sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành. Dự thảo Nghị quyết đưa ra thời hạn tối đa là 06 tháng để các Bộ, ngành ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức, đơn vị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành mình cũng như bảo đảm tính hợp lý khi thời điểm ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành là khác nhau.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, để tránh tạo khoảng trống pháp lý cho đến khi có quy định mới thay thế, đồng thời bảo đảm công tác xử phạt vi phạm hành chính được tiếp tục thực hiện, tại cuộc họp thống nhất: “Tổng cục tổ chức lại thành các Cục, Vụ và Cục thuộc Bộ tổ chức lại thành Vụ thì việc thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục, Cục do Thanh tra Bộ và Cục thuộc Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đang có thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định pháp luật cho đến khi có quy định mới thay thế”. Về thực hiện chứng năng thanh tra chuyên ngành, trường hợp Tổng cục tổ chức lại thành các Cục, Vụ (có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ) thì việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Tổng cục do Cục tổ chức lại từ Tổng cục thực hiện sau khi thống nhất ý kiến với Thanh tra Chính phủ; trong trường hợp chưa thống nhất thì do Thanh tra Bộ thực hiện. Trường hợp Cục tổ chức lại thành Vụ thì việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Cục do Thanh tra Bộ thực hiện.
Trên tinh thần tiếp thu tối đa ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, dự kiến trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Vụ Pháp luật hình sự - hành chính