Trong các ngày từ 18-20/10/2022, tại thủ đô Ma - ni - la, Phi - lip - pin, Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Phi - lip- pin, Tòa án tối cao Phi - lip - pin và Đại học Phi - lip - pin tổ chức Tuần lễ châu Á Thái Bình Dương 2022 (APW 2022) với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong khu vực và xa hơn nữa”. Đoàn Việt Nam do bà Đào Thị Hà, Trưởng phòng Pháp luật và Quản lý con nuôi trong nước, Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn và bà Hoàng Ngọc Bích, Chuyên viên Vụ Pháp luật quốc tế là thành viên. Ngoài ra, nhận lời mời của Tòa án tối cao Phi - lip - pin, Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam cũng cử đại diện tham gia sự kiện.
APW 2022 được tổ chức thành 10 phiên họp, tạo cơ hội cho các đại biểu tham gia tìm hiểu thêm về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) và công việc của tổ chức này. Tham dự APW 2022 gồm 450 đại biểu (tham dự trực tiếp và trực tuyến) đại diện cho các Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các viện hàn lâm, các tổ chức dân sự và khu vực tư nhân. Đặc biệt, các diễn giả của APW 2022 là các chuyên gia đến từ các quốc gia châu Á và Thái Bình Dương, trao đổi đổi về kinh nghiệm của các quốc gia trong việc gia nhập và thực thi các Công ước của HCCH, trong đó có các Công ước mà Việt Nam đã trở thành thành viên như Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt), Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ).
Liên quan đến việc chia sẻ kinh nghiệm gia nhập và thực thi tốt Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, HCCH đã tin tưởng, mời đại diện của Phi - lip - pin và Việt Nam tham dự và chia sẻ về kinh nghiệm về việc gia nhập và thực hiện Công ươc, qua đó thúc đẩy các quốc gia láng giềng của Việt Nam tham gia Công ước hoặc tăng cường hơn nữa việc thực thi Công ước. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện tại có Việt Nam, Phi - lip - pin và Thái Lan là thành viên của Công ước và thực hiện Công ước có hiệu quả. Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào chưa tham gia Công ước, Vương quốc Căm - pu - chia đã tham gia Công ước nhưng việc giải quyết nuôi con nuôi theo Công ước hầu như chưa thực hiện được.
Bà Đào Thị Hà, Trưởng đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự APW 2022, đã có bài chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc chuẩn bị gia nhập, thực hiện Công ước (như hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy, nguồn lực, hợp tác trong nước và quốc tế) và những kết quả mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi trở thành thành viên của Công ước đến nay (quy trình giải quyết việc nuôi con nuôi tuân thủ yêu cầu của Công ước La Hay 1993; bảo đảm việc giải quyết nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em; cơ chế bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa mua bán trẻ em; thiết lập các cơ chế hợp tác; bảo đảm sự cho phép, quản lý, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức con nước ngoài, theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi nước ngoài).
Có thể khẳng định rằng, với tư cách là thành viên của Công ước La Hay 1993 từ năm 2012, và là Nước gốc trong khu vực châu Á, trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để bảo đảm việc giải quyết việc nuôi con nuôi ở Việt Nam đạt được những mục tiêu tổng thể của Công ước La Hay 1993 như vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em được ghi nhận trong pháp luật quốc tế. Ngoài việc tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của Công ước La Hay 1993,Việt Nam còn luôn lắng nghe và ghi nhận những trao đổi từ các nước đang có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện pháp luật trong nước cũng như đẩy mạnh các biện pháp thực thi hiệu quả Công ước La Hay 1993 trên phương diện Nước gốc. Những thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi Công ước La Hay 1993 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận thông qua sự tin tưởng, hợp tác tích cực và chặt chẽ của các nước đang có quan hệ hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam, cũng như sự đánh giá cao của HCCH, thể hiện qua việc tạo cơ hội để đại diện của Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tốt trong việc thực hiện Công ước La Hay 1993 tại Tuần lễ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2022.
Qua nội dung chia sẻ của đại diện Cục Con nuôi, ông Christophe Bernasconi, Tổng thư ký của HCCH, đại diện của các Nước gốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng như đại diện của các Nước nhận đánh giá cao những nỗ lực và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được qua 10 năm thực hiện Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Đồng thời, qua nội dung chia sẻ của đại diện Cục Con nuôi đã giúp đại diện của các quốc gia tham dự APW 2022 hiểu hơn về công tác nuôi con nuôi ở Việt Nam, qua đó thể hiện chính sách nhân văn, nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc thực thi, bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam. Ông Tổng thứ ký của HCCH bày tỏ mong muốn tiếp tục mời đại diện của Việt Nam tham gia và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tốt Công ước 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế trong các diễn đàn khác của HCCH được tổ chức trong thời gian tới./.
Đào Thị Hà
Trưởng phòng Pháp luật & Quản lý con nuôi trong nước