Họp thẩm định đề nghị xây dựng NĐ quy định chính sách cho HSSV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

02/11/2022
Họp thẩm định đề nghị xây dựng NĐ quy định chính sách cho HSSV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngày 01/11, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách. Cuộc họp do ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế chủ trì. Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các cơ quan: Văn phòng Quốc hội; Ngoại giao; Tài chính; Nội vụ; Ủy ban Dân tộc và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: Hiện nay, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116) và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành quy định một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học (Thông tư số 109) đã rất bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Tại Quyết định số 1983/QĐ-TTg ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GDĐT xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116. Tuy nhiên, khi thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Nghị định, Bộ GDĐT nhận thấy cần phải xây dựng Nghị định mới thay thế các chính sách trong Nghị định số 116 và Thông tư số 109. Vì vậy , Bộ GDĐT đã xây dựng Nghị định mới thay thế các chính sách trong hai văn bản này.
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến về quy trình thủ tục đề nghị xây dựng Nghị định cũng như một số vấn đề liên quan đén các chính sách nêu tại đề nghị xây dựng Nghị định như: Cơ quan chủ trì soạn thảo không nêu rõ trong Tờ trình đề nghị xây dựng theo trường hợp nào (khoản 1, khoản 2 hay khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật); theo Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương thì không còn mức lương cơ sở, do đó, việc điều chỉnh mức hỗ trợ cần điều chỉnh cho phù hợp; cần đánh giá, làm rõ, dự kiến nguồn ngân sách trung ương cần bố trí cho việc tăng mức hỗ trợ theo Nghị định này; rà soát để đảm bảo việc mở rộng đối tượng không trái với quy định tại Điều 85 Luật Giáo dục; bổ sung đánh giá tác động về thủ tục hành chính khi thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng…
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu và ý kiến tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, thay mặt Hội đồng thẩm định, ông Cao Đăng Vinh kết luận cuộc họp. Các ý kiến của đại biểu tham dự sẽ được Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.