Một số vấn đề về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới tác động của CMCN lần thứ tư

25/08/2022
Một số vấn đề về TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới tác động của CMCN lần thứ tư
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2022 và phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của Đề tài độc lập cấp Quốc gia về: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0: Những vấn đề pháp lý cơ bản” - do TS. Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm chủ nhiệm Đề tài, ngày 24/8, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội thảo có sự hiện diện của bà Nguyễn Quỳnh Anh – Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương; ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; đại diện Bộ Khoa học và công nghệ; đại diện công ty TNHH Grab; đại diện một số trường Luật như Trường Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học luật Hà Nội; Khoa Kinh tế- Luật Đại học Thương mại, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học; đại diện một số ngân hàng, đại diện một số văn phòng luật sư, doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực công nghệ… 
Hội thảo khoa học đã diễn ra với các bài viết, trao đổi, thảo luận sôi nổi của các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học nhằm nhận diện những vấn đề lý luận và thực trạng pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới tác động của CMCN 4.0, đồng thời đưa ra các giải pháp pháp lý xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh từ thực tiễn ứng dụng các công nghệ chủ yếu của CMCN 4.0, qua đó, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong giai đoạn từ nay tới 2030. Cụ thể:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay.
Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thương mại điện tử: Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể tính tới phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 hoặc ban hành mới Luật về Thương mại điện tử để khắc phục triệt để những bất cập của pháp luật hiện hành trong việc điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử, củng cố niềm tin của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động thương mại điện tử ở nước ta trong thời gian tới.
Thứ ba, khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tăng cường trách nhiệm của thương nhân hoạt động thương mại điện tử trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ tư, nghiên cứu ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (hoặc Luật về bảo vệ thông tin cá nhân) để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan trong việc tôn trọng, bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, đồng thời tạo hành lang pháp lý an toàn để các doanh nghiệp thu thập, khai thác và sử dụng hợp pháp các thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp trực tuyến. Trong đó, cần rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng cứ điện tử, tố tụng điện tử trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; đẩy nhanh việc xây dựng tòa án điện tử phục vụ giải quyết tranh chấp phát sinh trên môi trường không gian mạng.
Thứ sáu, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp truyền thống thích ứng với sự tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp công nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.