Nhằm thực hiện hoạt động “Nghiên cứu phương pháp, cách thức đo lường, đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE), ngày 17/8/2022, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp do TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng làm trưởng đoàn và các chuyên gia của dự án (PGS.TS Vũ Thu Hạnh - Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN, Hội Luật gia Việt Nam và TS. Nguyễn Thị Dung - Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội) đã phối hợp với UNDP tổ chức Tọa đàm khảo sát về phương pháp, cách thức đo lường đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Với mục đích nắm bắt trung thực, khách quan các ý kiến từ cơ sở về chất lượng hoạt động PBGDPL nói chung và trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản nói riêng của cơ quan nhà nước tới người dân, doanh nghiệp; đồng thời xác định thực trạng triển khai hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL theo các quy định hiện hành và đề xuất các giải pháp, cách thức khoa học, phù hợp giúp đo lường, đánh giá chính xác hiệu quả công tác PBGDPL, Tọa đàm được tổ chức theo hình thức chia nhóm thảo luận và phỏng vấn sâu. Thành phần tham dự Tọa đàm được chia thành 03 nhóm bao gồm: (i) Nhóm cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể; (ii) Nhóm tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản và (iii) Nhóm người dân. Các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đã cung cấp một số thông tin cụ thể như sau:
1. Thực trạng công tác PBGDPL nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng
Theo đánh giá chung, hoạt động PBGDPL nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã được triển khai khá đồng bộ và toàn diện với nhiều hình thức đa dạng. Các ý kiến phản hồi của người dân đều thừa nhận đã được tiếp nhận các thông tin pháp luật về đất đai dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số hình thức được người dân đánh giá cao như: thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; bảng tin tại từng tổ dân phố; đặc biệt là các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin thành lập các group chat, fanpage… trên các mạng xã hội được nhiều người dân hưởng ứng tham gia.
Mặt khác, trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác PBGDPL đã được các đại biểu phát biểu và chỉ ra một cách cụ thể như: người dân vẫn còn tâm lý ngần ngại khi tiếp xúc với chính quyền đề tìm kiếm các thông tin pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực đất đai; các thông tin pháp luật trong lĩnh vực đất đai thường phức tạp, rắc rối và hay thay đổi, trong khi nội dung PBGDPL đôi lúc còn chung chung, khó hiểu hay chưa gắn với nhu cầu, tình huống thực tế liên quan tới người dân; một số người dân còn tâm lý thụ động khi tìm hiểu pháp luật hoặc không chú ý lắng nghe, tiếp thu thông tin do các cơ quan PBGDPL mà chỉ chủ động tìm kiếm, tập trung lắng nghe khi phát sinh nhu cầu hoặc gặp các vụ việc cụ thể…
Một trong những yếu tố ảnh hưởng chủ yếu tới chất lượng của hoạt động PBGDPL theo người dân đánh giá là năng lực của các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoặc người cung cấp thông tin. Theo đó, để bảo đảm hiệu quả hoạt động PBGDPL, đội ngũ này phải có đủ năng lực để dự báo và lường trước các vấn đề người dân có thể gặp phải để kịp thời tư vấn những nội dung pháp luật cụ thể cần quan tâm, lưu ý, đặc biệt là thông tin, quy định về thực hiện các thủ tục hành chính. Hiện nay, trong lĩnh vực đất đai, theo người dân phản ánh vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PBGDPL khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Thực tế này khiến người dân khi tham gia các thủ tục hành chính về đất đai gặp nhiều khó khăn, gây tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc của họ; tạo điều kiện cho hiện tượng tham nhũng “vặt” trong lĩnh vực này.
2. Phương pháp, cách thức đo lường đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL
2.1. Về chủ thể thực hiện hoạt động đánh giá
Để bảo đảm tính khách quan và chính xác của kết quả đánh giá, một số ý kiến tại Tọa đàm đề xuất việc tổ chức đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần phải do một tổ chức độc lập thực hiện nếu có đủ nguồn lực thực heiẹn. Tuy nhiên, việc đánh giá của tổ chức độc lập cần phải căn cứ trên các tiêu chí, phương pháp đã được sự thống nhất với các cơ quan quản lý nhà nước và chịu sự giám sát và có giải trình trong quá trình thực hiện để bảo đảm tính trách nhiệm và minh bạch của hoạt động đánh giá.
Mặt khác, một số sáng kiến cho rằng phương pháp đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cần kết hợp việc tự đánh giá của cơ quan nhà nước, đánh giá chéo của các cơ quan, tổ chức đoàn thể liên quan cộng với tổ chức lấy ý kiến công khai người dân về kết quả tự đánh giá của các cơ quan, tổ chức để làm cơ sở tổng hợp kết quả cuối cùng.
2.2. Về tiêu chí đánh giá
Để bảo đảm tính khả thi của hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cho rằng hoạt động đánh giá cần căn cứ theo các nhóm tiêu chí chung và nhóm tiêu chi cụ thể để phù hợp với từng mục tiêu, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, điều kiện của bộ, ngành, địa phương. Các tiêu chí riêng có thể thay đổi linh hoạt, rõ ràng hơn và cần gắn với từng hoạt động PBGDPL cụ thể đề phù hợp với nguyên lý “hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải căn cứ vào kết quả đầu ra”.
Mặt khác, việc lượng hóa tác động của công tác PBGDPL tới ý thức và nhận thức của đối tượng thụ hưởng cũng là vấn đề khó và còn nhiều tranh cãi. Các ý kiến phát biểu cho rằng chỉ có thể lượng hóa được sự thay đổi về kiến thức, hiểu biết pháp luật của đối tượng được PBGDPL, còn sự thay đổi trong ý thức và hành vi tuân thủ pháp luật thì là kết quả kết hợp của nhiều yếu tố. Trong lĩnh vực đất đai, nhiều trường hợp, người dân đều hiểu pháp luật nhưng do nhu cầu cuộc sống vẫn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, việc lượng hóa tác động của hoạt động PBGDPL thông qua số lượng vụ việc vi phạm là chưa bảo đảm tính khách quan và toàn diện.
2.3. Về thời điểm, hình thức khảo sát, thu thập thông tin
Việc thu thập thông tin đánh giá cần lựa chọn các hình thức phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng được khảo sát như: qua phiếu khảo sát trực tiếp hoặc khảo sát trực tuyến qua phần mềm. Bên cạnh đó, để có thể thu thập đầy đủ ý kiến của người dân thì thời điểm thực hiện khảo sát cũng cần lựa chọn thời điểm ngoài giờ hành chính hoặc có thể kết hợp lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, buổi tiếp dân…
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề xuất do lĩnh vực đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, người dân còn tâm lý e ngại khó đánh giá trung thực do sợ ảnh hưởng tới quyền lợi của bản thân nên việc đánh giá, thu thập ý kiến đánh giá cần thực hiện ẩn danh, hoặc theo hình thức lấy ý kiến ngẫu nhiên như phương pháp đánh giá ngẫu nhiên qua các cuộc gọi và chỉ tổng hợp kết quả chung.
Có thể thấy, những kết quả từ buổi tọa đàm sẽ là cơ sở bước đầu để gợi mở cho Bộ Tư pháp tiếp tục, nghiên cứu và có định hướng triển khai hoạt động này cho phù hợp, đặc biệt là trong triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” theo Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Lưu Công Thành
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật