Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cơ chế thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế liên kết và phát triển vùng của Thành phố Hồ Chí Minh

11/08/2022
Khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, cơ chế thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ chế liên kết và phát triển vùng của Thành phố Hồ Chí Minh
Để tiếp tục Chương trình làm việc của Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện phục vụ việc nghiên cứu xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô, chiều ngày 09/8/2022, Đoàn khảo sát do ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng Trưởng đoàn đã làm việc tại Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia Đoàn khảo sát là đại diện Lãnh đạo các Bộ, Sở thuộc thành phố Hà Nội, các chuyên gia xây dựng Luật Thủ đô.
Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có ông Võ Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Ban chuyên môn thuộc Hội đồng nhân dân thành phố, Sở, ngành thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Mục đích của Đoàn khảo sát là trao đổi, thu thập thông tin về việc tổ chức tổ chức bộ máy, hoạt động theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị; cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng làm việc cho khu vực công; cơ chế liên kết phát triển Vùng TP Hồ Chí Minh và khảo sát, trao đổi kinh nghiệm làm cơ sở để lập đề nghị xây dựng Luật Thủ đô.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến gợi ý một số nội dung thảo luận về: (1) Kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14: những kết quả tích cực, bất cập hạn chế liên quan đến cơ chế hoạt động của HĐND thành phố; tổ chức bộ máy, thẩm quyền, cơ chế hoạt động của UBND cấp quận, phường; (2) Kết quả tích cực, hạn chế khi thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Những vấn đề vướng mắc về cơ chế thu, chi tài chính khi thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14; (3) Kinh nghiệm của TP. Hồ Chí Minh về mô hình tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù để phù hợp với yêu cầu phát triển của TP. Hồ Chí Minh; (4) Việc triển khai chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Giải pháp để thực hiện hiệu quả việc trọng dụng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Kết quả thực hiện liên kết Vùng TP. Hồ Chí Minh, cơ chế hoạt động hiện nay của Vùng.
Thảo luận với Đoàn khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM đang dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho Thành phố Thủ Đức vận dụng một số quyền hạn thuộc cấp sở - ngành để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên thực tế, thành phố Thủ Đức có quy mô lớn hơn một tỉnh, do vậy phải vận dụng linh hoạt sáng tạo để tạo bước phát triển đột phá.
Về cơ chế liên kết vùng, theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, cần có cơ quan của Chính phủ đứng ra làm nhiệm vụ liên kết vùng, giúp việc cho Thủ tướng chỉ đạo công việc chung liên vùng thì việc liên kết vùng mới thật sự phát huy hiệu quả vì nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các địa phương trong vùng là tương đương. Đối với vấn đề thu hút nhân lực chất lượng cao cho khu vực công, trước đây TPHCM đã có chương trình 300 thạc sỹ, tiến sỹ, song qua thực tế kết quả còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích bầng vật chất, lương bổng là quan trọng nhưng cần có môi trường và xác định hướng, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút nhân tài, từ đó xây dựng chính sách phù hợp.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội trân trọng cám ơn sự quan tâm, phối hợp của UBND thành phố Hồ Chí Minh về buổi làm việc hôm nay của Đoàn khảo sát. Qua những ý kiến trao đổi, thảo luận của đại biểu về những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn đã có những nhận xét, kinh nghiệm, gợi ý giúp Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô.
Trần Hồng Hạnh, Vụ VĐCXDPL, Bộ Tư pháp