Thực hiện kiểm tra công tác ĐKBPBĐ QSD đất, tài sản gắn liền với đất tại Ninh Bình và Hà Nam

08/08/2022
Thực hiện kiểm tra công tác ĐKBPBĐ QSD đất, tài sản gắn liền với đất tại Ninh Bình và Hà Nam
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất năm 2022 tại các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, thành phố Cần Thơ và Cà Mau (ban hành kèm theo Quyết định số 1281/QĐ-BTP ngày 06/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Quyết định số 1488/QĐ-BTP ngày 06/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Ninh Bình, từ ngày 03 đến ngày 05 tháng 8 năm 2022, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp do đồng chí Phạm Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Nam.
 

 
 
Đoàn kiểm tra đã làm việc với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Ninh Bình và một số cơ quan hữu quan; đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Hà Nam. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra cũng đã tổ chức kiểm tra thực tế công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Kim Sơn, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình và thành phố Phủ Lý, huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam).

       


Qua kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản, Sở Tư pháp các tỉnh Ninh Bình và Hà Nam đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương; các Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh đã tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, thủ tục đăng ký nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

       
Đoàn kiểm tra cũng đã tiếp nhận phản ánh của Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh và một số cơ quan hữu quan; đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương. Tại các buổi làm việc, Đoàn kiểm tra đã trao đổi để làm rõ hơn, thống nhất hơn trong cách hiểu, cách áp dụng một số quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm như: hiệu lực của đăng ký đối với hợp đồng bảo đảm; xác định căn cứ tính phí đăng ký; sử dụng sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai…), đồng thời, Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương để kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền giải quyết.

       
Kết thúc đợt kiểm tra, tại mỗi địa phương, Đoàn kiểm tra đều có kết luận sơ bộ kết quả kiểm tra, trong đó ghi nhận những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ rõ những vấn đề cần phải khắc phục trong thực tiễn công tác đăng ký biện pháp bảo đảm để các Văn phòng đăng ký đất đai và Chi nhánh kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong thời gian tới.