Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương - Nhìn từ góc độ kiểm tra, rà soát VBQPPL

02/08/2022
Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương - Nhìn từ góc độ kiểm tra, rà soát VBQPPL
Ngày 29/7/2022, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh tổ chức thành công Hội thảo “Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương - Nhìn từ góc độ kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật”. TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL và Ths Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đồng chủ trì Hội thảo.
     Tham dự Hội thảo có đồng chí Đặng Bá Bắc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, đại diện Lãnh đạo Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; công chức làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, TP. Hải Phòng; công chức làm công tác tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của Phòng Tư pháp các huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh; công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thuộc thành phố Hạ Long và các Cộng tác viên kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của tỉnh Quảng Ninh.
 

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy nhấn mạnh, với mục đích góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương, Hội thảo là dịp để các cơ quan, đơn vị, công chức làm công tác tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của Trung ương và địa phương cùng nhau trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá, nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn về thực trạng, đặc biệt là những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Với những kinh nghiệm, những ví dụ cụ thể được đúc rút từ hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tham luận do các chuyên gia trình bày tại Hội thảo sẽ phân tích, đánh giá về những “lỗi” thường gặp trong các văn bản do HĐND, UBND ban hành theo thẩm quyền thời gian qua, từ đó có thể giúp các đại biểu xác định được cách thức, giải pháp xử lý, tránh nguy cơ trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, sai về thể thức trình bày văn bản, góp phần nâng cao chất lượng văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
 Hội thảo đã được nghe tham luận cụ thể, chi tiết của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong công tác tham mưu, xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã thảo luận, thống nhất một số giải pháp chủ yếu, khái quát như sau:
 

     (i) Xác định đúng chính sách và thực hiện nghiêm túc, thận trọng việc đánh giá tác động của chính sách (RIA) là yếu tố thiết yếu để đảm bảo tính đúng đắn, chất lượng cho văn bản QPPL, bảo đảm văn bản QPPL của chính quyền địa phương có nội dung điều chỉnh đúng về phạm vi các vấn đề thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nội dung phù hợp quy định, tinh thần Hiến pháp, quy định của luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; phù hợp với lợi ích của nhà nước và xã hội; phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn, khả năng quản lý nhà nước ở địa phương trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định tại thời điểm ban hành văn bản QPPL.
     (ii) Trong quy trình xây dựng pháp luật, chú trọng làm tốt các hoạt động: (1) Tổng kết thực tiễn, nhận diện, phân tích, đánh giá đúng đắn, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện các vấn đề đặt ra trước khi định ra chính sách để giải quyết; (2) Rà soát các văn bản có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột, mâu thuẫn giữa các văn bản QPPL trong cùng lĩnh vực và văn bản trong các lĩnh vực có liên quan; (3) Đảm bảo tính liên kết, kiểm soát chặt chẽ công đoạn đề xuất, đánh giá tác động chính sách với công đoạn soạn thảo, chỉnh lý hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản QPPL (4) Đảm bảo chất lượng thẩm định, sự quán xuyến, theo dõi sâu sát, quan điểm, ý kiến rõ ràng, nhất quán của Sở Tư pháp,  Phòng Tư pháp đối với việc thẩm định đề nghị xây dựng, thẩm định dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND, nhất là đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm định, thẩm tra.
     (iii) Các văn bản QPPL của chính quyền địa phương cần phải luôn được đặt trong tình trạng kiểm soát một cách thường xuyên, chặt chẽ để có những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời. Chú trọng thực hiện mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn các công cụ “hậu kiểm” văn bản QPPL (kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa QPPL); gắn kết chặt chẽ  với công tác xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật để tạo cơ chế hiệu quả để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp.
     (iv) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về yêu cầu, nội dung, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện các công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL do chính quyền địa phương ban hành để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương. Thực hiện tốt quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên, hiệu quả giữa Sở Tư pháp các địa phương với các đơn vị, chuyên gia thuộc Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ để cùng nhau xử lý những khó khăn, vướng mắc về tính pháp lý và các nội dung kinh tế - kỹ thuật của văn bản QPPL trong thực tiễn xây dựng, ban hành văn bản QPPL của địa phương./.