Thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ...

05/08/2022
Thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ...
Ngày 04 tháng 8 năm 2022, tại TP.Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp (Cục Đăng ký) đã phối hợp với IFC tổ chức Hội thảo thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản. Hội thảo do ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Phát triển Cơ sở Hạ tầng Tài chính, Bộ phận Tư vấn các Định chế Tài chính, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, IFC đồng chủ trì.
 

 
 
Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu tham dự trực tiếp và 300 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tuyến. Về phía Việt Nam, có các đại biểu đến từ Cục Đăng ký, Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, đại diện các Sở, ngành như Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện của một số Văn phòng đăng ký đất đai; đại diện của Hiệp hội Ngân hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chức tín dụng, tổ chức hành nghề công chứng, công ty luật, cơ sở đào tạo luật…. Về phía IFC, có bà Phạm Thị Thanh Huyền, Giám đốc Chương trình Cơ sở Hạ tầng Tài chính Việt Nam, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo - Đại học McKinney, Đại học Indian, Hoa Kỳ.

     
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải đã đặt ra vấn đề là trong thực tế, tài sản bảo đảm không chỉ đơn giản là được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, mà còn là hàng hóa, đối tượng của các giao dịch dân sự khác hoặc đối tượng của quản lý Nhà nước, đối tượng tranh chấp hoặc thi hành án. Thực tiễn này đặt ra một yêu cầu tất yếu khách quan về việc cần có một cơ chế pháp lý đa dạng về xác lập thứ tự thực hiện quyền ưu tiên, trong đó nhà làm luật phải giải quyết được giữa hạn chế quyền của chủ thể này với xác lập quyền ưu tiên cho chủ thể khác; giữa tôn trọng bình đẳng, không phân biệt đối xử với đảm bảo lợi ích chung của cả nền kinh tế; giữa quyền của bên nhận bảo đảm trong truy đòi, xử lý tài sản bảo đảm với quyền lợi của chủ thể ngay tình, người yếu thế; giữa bảo đảm quyền lợi tư và quyền lợi công cộng…  Và việc tổ chức Hội thảo này là cơ hội hữu ích đối với Cục Đăng ký trong việc tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và các khía cạnh pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản để góp phần triển khai có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu định hướng hoàn thiện hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

       

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm khái quát quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản bảo đảm; nghe Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản (bên cùng nhận bảo đảm, chủ nợ không đồng thời là bên nhận bảo đảm, chủ thể khác có quyền trong giao dịch có đối tượng là tài sản được dùng để bảo đảm, chủ thể được bồi thường thiệt hại, cơ quan thuế, v.v…)  và ông Nguyễn Công Phú - Nguyên Phó Chánh án Tòa Kinh tế, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về góc nhìn của tòa án về quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản (bên cùng nhận bảo đảm, chủ nợ không đồng thời là bên nhận bảo đảm, chủ thể khác có quyền trong giao dịch có đối tượng là tài sản được dùng để bảo đảm, chủ thể được bồi thường thiệt hại, cơ quan thuế).

       

Trên cơ sở dẫn đề nêu trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi, cùng thảo luận trao đổi chuyên sâu, gắn với các tình huống pháp lý với vấn đề phát sinh trong thực tiễn.


        

Sau một ngày làm việc sôi nổi, hiệu quả, Hội thảo đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Thay mặt Cục Đăng ký, ông Nguyễn Hồng Hải cảm ơn sự hỗ trợ của IFC, sự tham gia của các chuyên gia, các đại biểu và đánh giá đây là Hội thảo đóng góp nhiều kinh nghiệm hữu ích trong nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm thưc hiện nghĩa vụ, đặc biệt là vấn đề điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản.