​Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Chương trình quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

24/08/2022
​Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Chương trình quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Ngày 23 và 24/8 , Bộ Tư pháp (được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Chương trình quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm”. Hội thảo được tổ chức kết hợp bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến. Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì điểm cầu trực tiếp của Hội thảo.
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế và bà Diana Torres, Trợ lý Trưởng Đại diện, Trưởng Phòng Quản trị và Tham gia, UNDP Việt Nam đã phát biểu khai mạc Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các thành viên Tổ soạn thảo “Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Luật Hà Nội...
Trong buổi làm việc chiều ngày 23 tháng 8, các đại biểu được nghe bài Giới thiệu về Các quy tắc hướng dẫn của Liên Hợp quốc về kinh doanh có trách nhiệm và các văn kiện pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của bà Hapreet Kaur, chuyên gia về Kinh doanh và quyền con người của UNDP; tham luận về “Những phát hiện chính từ Báo cáo đánh giá cơ sở về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam – Những khuyến nghị đối với Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” của ông Nguyễn Hưng Quang, chuyên gia độc lập và tham luận về “Tổng quan về kinh doanh có trách nhiệm và khuyến nghị đối với Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” của PGS.TS Lê Quang Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững, Đại học Kinh tế quốc dân.
Trong hai phiên làm việc của ngày 24 tháng 8, các đại biểu tham dự đã được nghe bà Lưu Hương Ly, Trưởng Phòng pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp giới thiệu tóm tắt về dự thảo Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam và bà Nareeluc Pairchaiyapoom, Trưởng phòng Quyền con người quốc tế, Vụ Bảo vệ quyền con người, Bộ Tư pháp Thái Lan; ông Hiroki Matsui, Điều phối viên cao cấp của Phòng Nhân quyền và Vấn đề Nhân đạo, Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và bà Marie – Laura Schmitt, chuyên gia, Bộ Ngoại giao CHLB Đức chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm của Thái Lan, Nhật Bản và CHLB Đức.
Sau khi nghe các bài tham luận tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi để làm rõ hơn về những khó khăn và thuận lợi trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ ngành, cơ quan có liên quan tham mưu, trình Chính phủ Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam trong năm 2023. Đồng thời, các thành viên của Tổ soạn thảo và các đại biểu tham dự cũng đã cho ý kiến cụ thể về dự thảo Đề án, đề nghị làm rõ hơn về vai trò và nhiệm vụ của các cơ quan trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các cuộc họp cũng như Hội thảo tham vấn để xin ý kiến các cơ quan, cá nhân và đặc biệt là doanh nghiệp về dự thảo Đề án v.v..
Kết thúc Hội thảo, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của UNDP tại Việt Nam và sự tham gia của các đại biểu tham dự, đồng thời, nhấn mạnh về ý nghĩa của việc tổ chức Hội thảo. Theo đó, những chia sẻ của các chuyên gia nước ngoài là tư liệu tham khảo quý giá để trên cơ sở đó các thành viên Tổ soạn thảo đại diện cho các Bộ, ngành, hiệp hội … có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc tham mưu xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Đề án, bảo đảm trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.