Ngày 25/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi giới thiệu, tập huấn Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 6/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ông Võ Văn Tuyển, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) chủ trì buổi tập huấn. Các đại biểu tham dự là các chuyên viên làm công tác xây dựng pháp luật tại các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Võ Văn Tuyển nhấn mạnh thượng tôn pháp luật, quản lý nhà nước bằng pháp luật là tiêu chí của một Nhà nước văn minh, vận hành bằng nguyên tắc pháp quyền. Ông khẳng định công tác xây dựng thể chế luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng, xác định là 1 trong 3 khâu đột phá.
Song, muốn xây dựng hệ thống pháp luật tốt, đủ khả năng thúc đẩy kinh tế phát triển thì cần những điều kiện cần thiết nhất định, trong đó điều kiện về kinh phí là hết sức quan trọng. Vấn đề kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được Đảng, Nhà nước, quan tâm chỉ đạo khá quyết liệt, đặc biệt là sau khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này với nhiều quy định mới về đánh giá tác động chính sách, xây dựng pháp luật.
Trong đó, có thể kể đến Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 7/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 1/6/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề cần quan tâm giải quyết.
Mới đây nhất là Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 6/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016. Đây là thành công lớn trong phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính với nhiều nội dung mới, quan trọng về nội dung chi, mức chi, định mức phân bổ, thủ tục quyết toán… Do vậy, việc quán triệt tầm quan trọng, giới thiệu những quy định mới của Thông tư số 42 là hết sức cần thiết.
Phó Vụ trưởng Võ Văn Tuyển đề nghị báo cáo viên cần trình bày toàn diện, sâu sắc các vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư số 338; những quy định mới nổi bật của Thông tư số 42. Cùng với đó, các đại biểu tham dự cần tích cực đặt các câu hỏi để trao đổi, thảo luận để hiểu đầy đủ và nắm rõ các nội dung tập huấn.
Theo trình bày của báo cáo viên, một trong những quy định mới quan trọng của Thông tư số 42 đó là bổ sung một số nội dung chi trong hoạt động xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật như: xây dựng tờ trình, báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo văn bản; bản đánh giá thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản…
Quy định về việc lập đề nghị xây dựng VBQPPL thành một mục riêng với các mức chi cụ thể. Bố trí kinh phí riêng cho công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL, lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm với mức chi là 200 triệu. Đồng thời bổ sung định mức phân bổ kinh phí đối với hoạt động thẩm định, thẩm tra đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL theo hướng tách kinh phí thẩm định, thẩm tra ra khỏi kinh phí soạn thảo đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPP.
Thông tư số 42 cũng tăng định mức chi, bổ sung định mức chi đối với một số tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL. Thông tư này cũng quy định việc tăng định mức phân bổ kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ 1.5 lên 2 lần so với quy định tại Thông tư số 338. Ngoài ra, Thông tư số 42 cũng sửa đổi các quy định về việc thanh toán, quyết toán kinh phí theo hướng đơn giản hơn so với Thông tư cũ.
Lê - Như