Nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp địa phương"

14/04/2008
Hôm 11/4, Viện Khoa học Pháp lý đã tổ chức nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Bộ "Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp địa phương" do Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Trần Văn Quảng làm Chủ nhiệm.

Theo khảo sát của Vụ Tổ chức Cán bộ, phần lớn công chức tư pháp (CCTP) ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, hàng năm 40% CCTP chưa được đào tạo nghiệp vụ, có địa phương cả năm không có 1 lớp bồi dưỡng nào dành cho CCTP nên hạn chế rất nhiều đến hiệu quả công tác. Các loại hình bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ rất đa dạng nhưng chưa tương xứng do công tác qui hoạch chưa tương xứng; hình thức, nội dung chưa thống nhất; phương pháp chưa đạt yêu cầu, giáo viên chưa được đào tạo bài bản; phân công trách nhiệm đào tạo CCTP chưa cụ thể; công tác đạo tạo tiền công vụ chưa được chú trọng nên CCTP phải mất thời gian để làm quen với công việc... Do đó, Bộ Tư pháp đã quyết định thực hiện đề tài này với mục đích xây dựng đội ngũ CCTP có chuyên môn, thạo nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp; 100% CCTP ở Sở, Phòng Tư pháp và cơ quan THADS cấp tỉnh, huyện đáp ứng được yêu cầu chức danh…

Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện Đề tài đã đưa ra các giải pháp nhằm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CCTP địa phương. Đó là:

- Hoàn thiện hệ thống VBQPPL về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CCTP địa phương: rà soát hiệu lực các VBQPPL liên quan; phân cấp quản lý đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ sở đào tạo.

- Đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp địa phương và bố trí, sử dụng hiệu quả CCTP: tuyển dụng đúng tiêu chuẩn; bố trí, sắp xếp CCTP vào vị trí công tác phù hợp; tạo môi trường làm việc ổn định cho CCTP.

- Xây dựng, thực hiện qui hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ CCTP địa phương.

- Đổi mới chương trình, nội dung, giáo trình, tài liệu, thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đối với các trình độ đại học, trung cấp luật và đào tạo nghề; đối với chương trình đào tạo chuyên viên pháp lý, công chứng viên, chấp hành viên, CCTP – hộ tịch.

- Đa dạng hoá hình thức và giải pháp bồi dưỡng

- Xây dựng, nâng cao chất lượng giảng viên với việc xem xét chế độ, chính sách thoả đáng đối với giáo viên và phát triển đội ngũ giáo viên tại cơ sở, hợp tác quốc tế.

- Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu (do Thứ trưởng Hoàng Thế Liên làm Chủ tịch) đánh giá cao với 6/6 phiếu thông qua.

Tại buổi nghiệm thu đề tài, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng nhấn mạnh việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng CCTP địa phương phải tiến tới để thực hiện đào tạo tại chỗ, đào tạo theo nhu cầu, theo chức danh và tự đào tạo để có được đội ngũ CCTP có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu công việc nhất là trong quá trình hội nhập./.

H.Giang – Trương Thị Hoà (Phòng Tổng hợp)