Ngày 9/4, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên tiếp tục chủ trì ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ tư về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại.
Ngày làm việc thứ hai đã được bắt đầu bằng phiên thảo luận thứ 4 về các công ước La hay về loại bỏ các yêu cầu về hợp pháp hoá giấy tờ công vụ (ngày 5/10/1961) và Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (ngày 15/11/1965) dưới sự chủ trì của Đại diện đoàn Australia – bà Alison Fay Playford (trợ lý văn phòng về thủ tục tố tụng dân sự và pháp luật hành chính – Vụ Tổng Công tố Barton, Australia).
Ông Christophe Bernasconi (Bí thư thứ nhất HccH) đã giới thiệu trước Diễn đàn về công ước miễn hợp pháp hoá (công ước ngày 5/10/1961). Đây là Công ước La Hay được phê chuẩn rộng rãi nhất (tính đến tháng 4/2008 có 93 quốc gia thành viên) và liên tục thu hút các quốc gia thành viên mới (từ 1/1/2000 đã có thêm 29 quốc gia gia nhập, chiếm 30% tổng số quốc gia thành viên). Công ước này được áp dụng hàng triệu lần/năm do dễ hiểu và không gấy mâu thuẫn, tranh cãi để đơn giản hoá cuộc sống cho các công dân là những người có nhu cầu xuất trình giấy tờ ở nước ngoài. Mục đích và đặc trưng chính của công ước này là tạo thuận lợi cho việc lưu hành giấy tờ công vụ (như giấy đăng ký khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, chứng nhận khai tử; các bản án, trích lục từ sổ đăng ký, bằng sáng chế, các văn bản công chứng và việc công chứng viên chứng thực chữ ký, chứng chỉ tốt nghiệp đại học, trung học và các bằng cấp học vấn khác do các cơ sở đào tạo công cấp) bằng cách thay thế qui trình đầy đủ các thủ tục hợp pháp hoá cồng kềnh và tốn kém (chuỗi chứng nhận tính xác thực) bằng chỉ một động tác cấp Chứng nhận miễn hợp pháp hoá.
Thực tế áp dụng Công ước này đã cho thấy rất có ích ngay cả đối với các quốc gia vốn không đòi hỏi giấy tờ công vụ nước ngoài phải được hợp pháp hoá hoặc các quốc gia vốn không áp dụng khái niệm hợp pháp hoá trong nội luật của mình: công dân những quốc gia này được hưởng thụ các lợi ích của công ước bất kỳ lúc nào khi họ phải xuất trình một giấy tờ công vụ được lập ở trong nước tại một quốc gia thành viên khác mà quốc gia đó, về phần mình, yêu cầu phải xác thực giấy tờ liên quan đó.
| |
Cũng theo ông Christophe Bernasconi, Công ước Tống đạt có 56 quốc gia thành viên và tiếp tục thu hút nhiều quốc gia thành viên mới. Công ước này có mục tiêu cơ bản là nhằm đơn giản hoá phương thức chuyển giao giấy tờ cần được tống đạt ở nước ngoài; thiết lập một hệ thống mà trong chứng mực có thể, đưa tin báo kịp thời về giấy tờ cần được tống đạt cho người nhận trong khoảng thời gian đủ để cho phép người nhận trong khoảng thời gian đủ để cho phép người đó bảo vệ chính bản thân mình; tạo thuận lợi cho việc chứng minh rằng việc tống đạt đã được thực hiện ở nước ngoài bằng một chứng nhận mẫu. Công ước đã định ra một khuôn khổ toàn cầu cho việc hợp tác tư pháp và hành chính giữa các quốc gia khi qui định các kênh chuyển giao cần được sử dụng khi có yêu cầu chuyển một giấy tờ tư pháp hoặc ngoại tụng từ một quốc gia thành viên của công ước tới một quốc gia thành viên khác của công ước để tống đạt ở quốc gia đó. Tuy nhiên, công ước này không điều chỉnh vấn đề thẩm quyền tài phán hoặc các vấn đề về công nhận/thi hành; không qui định hoặc bao hàm các qui định nội dung liên quan tới việc tống đạt thực tế giấy tờ toà án; không đụng chạm đến pháp luật trong nước về tống đạt giấy tờ toà án.
Sau khi nghe giới thiệu chi tiết về hai công ước quan trọng trong lĩnh vực dân sự và thương mại, trong phiên thảo luận thứ 5, đại diện Trung Quốc (Trung Quốc đại lục, Đặc khu hành chính Ma Cao và Hồng Kông) và Australia đã trình bày những thuận lợi và khó khăn của một quốc gia khi trở thành thành viên của HccH và khi ký kết, gia nhập của các công ước La Hay. Đồng thời, các đại diện cũng đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia thành viên trong việc xây dựng, đàm phán và thực hiện các công ước La Hay, đặc biệt là hai Công ước vừa được giới thiệu ở trên.
Diễn đàn đã được bế mạc bằng bài phát biểu của Thứ trưởng Hoàng Thế Liên. Mặc dù chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng Diễn đàn đã thực sự là cơ hội để các đại biểu đến từ các quốc gia ASEAN học hỏi và hiểu hơn về vấn đề tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại./.
Hương Giang