Đây là hai nội dung quan trọng được các thành viên Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS bàn thảo nhiều nhất trong cuộc họp được tổ chức vào cuối tuần qua. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Trưởng ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Sẽ bỏ hình phạt tử hình với một số tội phạm
Ông Nguyễn Công Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính - Bộ Tư pháp đại diện cho Tổ biên tập đã trình bày 10 vấn đề dự kiến được sửa đổi, bổ sung của BLHS. Trong đó, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đó là việc hạn chế phạm vi áp dụng của hình phạt tử hình. Điều này xuất phát từ xu hướng chung của thế giới là thu hẹp phạm vi áp dụng và tiến tới xoá bỏ hoặc chỉ giữ lại rất ít tội có hình phạt tử hình. Ở Việt Nam, trong các văn kiện của Đảng (trước đây là Nghị quyết 08, nay là Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020) cũng đã thể hiện rõ chủ trương này. Theo ông Hồng, BLHS hiện nay quy định hình phạt tử hình đối với 29 tội phạm, lần này khi sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS có thể nghiên cứu để bỏ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với 12 tội phạm (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội buôn lậu; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý; tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về ANQG; tội tham ô tài sản; tội đưa, nhận hối lộ; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch, tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
Đồng ý với việc hạn chế hình phạt tử hình, nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Anh- Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Công an thì các ngành cần phải có tổng kết qua thực tiễn 8 năm thi hành BLHS. Tổng kết để xem nên bỏ hay giữ lại tội nào. Còn theo ông Hoàng Nghĩa Mai- Phó Viện trưởng VKSNDTC thì cần xem lại đối tượng áp dụng hình phạt tử hình. Ví dụ với đối tượng là phụ nữ thì có cần tử hình hay không? Chúng ta phải rà soát xem thời gian qua đã có bao nhiêu phụ nữ bị tử hình (trừ một số vì buôn bán ma tuý). Thực tế hiện nay chỉ có phạm tội về ma tuý, tội giết người là bị tử hình nhiều nhất, còn các tội khác thì rất ít (ví dụ như các tội xâm phạm ANQG có quy định nhưng chưa xử tử hình một ai).
Nâng mức định lượng tiền, tài sản
Hiện nay, theo quy định tại Chương XIV BLHS, có tới 9/13 tội xâm phạm sở hữu có quy định mức định lượng về giá trị tài sản hoặc giá trị thiệt hại làm cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định có 4 mức định lượng tối thiểu, đó là mức 500 ngàn và 1 triệu (với tài sản bị chiếm đoạt); 5 triệu (với tài sản bị chiếm giữ trái phép) và 50 triệu với tài sản bị sử dụng trái phép (hoặc thiệt hại do tội phạm này gây ra). Các mức định lượng tối thiểu này được quy định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của từng loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu và dựa trên cơ sở điều kiện kinh tế xã hội của những năm cuối thập kỷ 90. Sau 8 năm, kinh tế nước ta đã thay đổi nhiều. Giá tiêu dùng hàng năm liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ lạm phát từ 2004 đến nay trung bình trên 9%/năm, đặc biệt năm 2007 vừa qua chỉ số giá cả tăng mức kỷ lục 12,63%. Trước tình hình phát triển kinh tế như vậy, mức định lượng tối thiểu nói trên là không còn phù hợp. Theo Tổ Biên tập sửa đổi một số điều BLHS, các địa phương được khảo sát đều kiến nghị sửa đổi theo hướng nâng mức định lượng này lên để phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh với các tội xâm phạm sở hữu hiện nay.
Có ý kiến cho rằng cần nâng mức định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt với các tội nói trên từ 500 ngàn lên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Lợi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì do giá cả thay đổi liên tục nên không nên quy định mức tiền cụ thể mà theo mức trần hệ số lương (ví dụ có thể quy định gấp 2,3 lần lương tối thiểu). Tuy nhiên, một số ý kiến lại đề nghị nên quy định mức định lượng căn cứ vào giá vàng, giá ngoại tệ chuyển đổi sang đồng VN, như vậy sẽ khắc phục được sự lạc hậu so với giá cả thị trường.
Về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: mức định lượng chắc chắn sẽ phải nâng lên, nhưng nâng như thế nào để tội phạm đừng tràn lan. Bởi cứ chiếm đoạt 1 triệu trở lên là tội phạm thì sẽ phải khởi tố rất nhiều, trong khi nếu đem so sánh với các tội về tham nhũng thì số tiền “vênh nhau” rất lớn. Thứ trưởng cũng đề nghị hạn chế phạt tù với một số tội mà chuyển sang phạt tiền (ví dụ các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm môi trường).
Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo, việc sửa đổi bổ sung BLHS lần này phải làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Bộ trưởng cũng lưu ý các ngành tố tụng khi tiến hành tổng kết việc thi hành BLHS cần dựa trên cơ sở các vấn đề sẽ được sửa đổi bổ sung chứ không nên dàn trải, thiếu tập trung.
Thu Hằng – Bao Phap luat Viet Nam
“Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…” (Trích Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020) |