Ngày 03/4/2008, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát văn bản theo quy định tại Quyết định số 123/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020"
Có 5 lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh được chú trọng rà soát là: khuyến khích đầu tư; phân bổ và quản lý vốn đầu tư của nhà nước; định hướng thị trường; hỗ trợ về khoa học và công nghệ; đảm bảo an ninh quốc phòng
Qua phối hợp với các bộ và địa phương có liên quan (05 bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại - nay là Công thương, Tài chính, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ; 08 địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) đã rà soát được tổng số 480 văn bản (82 văn bản của các bộ và 398 văn bản của các tỉnh), trong đó có 329 văn bản còn hiệu lực, phát hiện 151 văn bản hết hiệu lực (chiếm 31,5%), 33 văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ (chiếm tỷ lệ 10% số văn bản đang còn hiệu lực) và 30 văn bản đề nghị ban hành mới.
Cho đến nay các bộ và địa phương có liên quan đã ban hành khá nhiều văn bản, đặc biệt là ở các địa phương trong Vùng, ở Trung ương thì các lĩnh vực về quốc phòng an ninh, tài chính, đầu tư đã có nhiều văn bản liên quan đến Vùng. Những văn bản này là cơ sở quan trọng để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số lĩnh vực chưa có văn bản điều chỉnh (lĩnh vực định hướng thị trường qua rà soát chưa phát hiện có văn bản nào ban hành riêng cho Vùng, lĩnh vực khoa học công nghệ chưa có kết quả rà soát), nhiều văn bản, cơ chế điều hành không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, không còn phù hợp với các văn bản có hiệu lực cao hơn cần sớm được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp thì các Bộ, địa phương thực hiện việc rà soát bảo đảm các yêu cầu về nội dung, phát hiện được nhiều văn bản hết hiệu lực và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới nhiều văn bản nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho Vùng, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang. Đặc biệt, một số địa phương khi thực hiện rà soát đã có sự đối chiếu văn bản được rà soát với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), như tỉnh Long An, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bộ Tư pháp có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu để xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam. Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế-xã hội kết hợp với quốc phòng, an ninh); chỉ đạo các bộ, địa phương có liên quan sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản mới để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho Vùng./.
Tuấn Phong