Dự án Luật Lý lịch tư pháp: Dự kiến trình Chính phủ trong khoảng tháng 7 - 8

03/04/2008
Sau khi có Quyết định số 325/QĐ-BTP ngày 28/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập, hôm qua (2/4), BST Dự án Luật Lý lịch tư pháp đã có cuộc họp lần thứ nhất nhằm thống nhất kế hoạch xây dựng Dự án Luật, góp ý cho đề cương Dự án Luật. Tại cuộc họp, Tổ trưởng Tổ biên tập - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất đã báo cáo trước các thành viên BST về kế hoạch xây dựng Dự án Luật.

Theo đó, Vụ đã tiến hành được khá nhiều công việc từ hệ thống hoá các quy định pháp luật của Việt Nam về lý lịch tư pháp; thu thập các tài liệu liên quan đến lý lịch tư pháp của một số nước như Pháp, Đức, Bỉ, Canada…; tổ chức 3 cuộc toạ đàm, hội thảo khoa học về lý lịch tư pháp tại Hà Nội, Đồng Nai, Khánh Hoà đến tiến hành khảo sát một số địa phương về thực tiễn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp theo Thông tư liên tịch số 07/1999/TTLT-BTP-BCA ngày 8/2/1999… và xây dựng đề cương Dự án Luật cũng như dự thảo 1 Luật Lý lịch tư pháp gồm 6 chương, 40 Điều. Dự kiến, trong tháng 4 này, Vụ sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 9 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 07. Còn từ nay đến khi được Quốc hội khoá XII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, cùng với việc chỉnh lý Dự án Luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, các địa phương, của Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp, BST sẽ trình Chính phủ Dự án Luật trong thời gian tháng 7 – 8 để Chính phủ trình Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thẩm định vào tháng 9. Trưởng BST - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và các thành viên đều nhất trí phấn đấu, sớm nhất là tháng 7 sẽ trình Chính phủ Dự án Luật. Tất cả các công việc như tổng kết thực tiễn, hoàn chỉnh dự thảo, lấy ý kiến đóng góp, ý kiến thẩm định… sẽ chỉ tiến hành trong vòng 3 tháng (từ tháng 4 - tháng 6). Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị, Tổ biên tập phải nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành hết các đầu việc.

Theo ông Thất, công tác quản lý lý lịch tư pháp bắt đầu triển khai thống nhất trong cả nước từ năm 1999 trên cơ sở Thông tư liên tịch số 07. Tuy nhiên, công tác này mới làm ở phần “ngọn” là cấp Phiếu lý lịch tư pháp và chưa có được cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp một cách đúng nghĩa (hiện chủ yếu phục vụ công tác điều tra của ngành CA). Bởi thế, vấn đề đầu tiên đặt ra khi xây dựng Dự án Luật là phải thống nhất quan điểm về nội hàm của lý lịch tư pháp để xác định được phạm vi điều chỉnh. Tiếp theo là các vấn đề như mô hình cơ quan quản lý lý lịch tư pháp sẽ được tổ chức ra sao, thiết lập cơ chế gì để có được cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch tư pháp, xoá án tích với các trường hợp đương nhiên được xoá có nên quy định trong Dự án Luật… Đối với những vấn đề trên của đề cương Dự án Luật, đa phần các thành viên BST cho rằng Dự án Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh sang cả lĩnh vực dân sự, thương mại, hành chính, chứ không đơn thuần là hình sự; quy định cơ quan quản lý lý lịch tư pháp sẽ là cơ quan theo dõi, thúc đẩy việc xoá án tích; quy định cơ chế chia sẻ thông tin… Tuy nhiên, về mô hình cơ quan quản lý, ý kiến của các đại biểu lại khác nhau. Theo một số đại biểu, chỉ nên chia thành 2 cấp là trung ương và địa phương. Có đại biểu cho rằng, phải thành lập ở tất cả các cấp.

Sau khi lắng nghe phát biểu của các thành viên, Phó Trưởng BST - Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên nhận định, việc điều chỉnh cả lĩnh vực dân sự trong Dự án Luật phải được cân nhắc thận trọng vì dân sự là việc của 2 bên. Đặc biệt, Dự án Luật cần có một điều khoản chuyển tiếp, tránh gián đoạn trong việc cấp lý lịch tư pháp cho công dân. Kết luận cuộc họp lần thứ nhất, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, điểm quan trọng nhất chính là phải xác định được nội hàm của lý lịch tư pháp. Theo Bộ trưởng, về cơ bản, lý lịch tư pháp là thông tin trong các bản án, quyết định hình sự của toà án. Bộ trưởng cũng đồng tình với việc tổ chức cơ quan quản lý thành 2 cấp. Riêng vấn đề cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp, Bộ trưởng gợi ý nên xây dựng một Trung tâm quốc gia ở TƯ với một vài Chi nhánh ở địa phương.

Hoàng Thư