Ngày 1/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã có buổi trao đổi với Đoàn công tác gồm 20 cán bộ đại diện cho các bộ, ngành của Lào do Thứ trưởng Bộ Thương mại K. Pholsena dẫn đầu. Thứ trưởng Pholsena cho biết, mục đích chung của Đoàn là tìm hiểu kinh nghiệm đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, còn riêng với Bộ Tư pháp thì Đoàn mong được học hỏi về các kinh nghiệm xây dựng kế hoạch hành động pháp luật, cải cách tư pháp và cơ chế rà soát pháp lý.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên vui mừng thông báo, Việt Nam là một trong số rất ít có hệ thống pháp luật cơ bản tương thích với các quy định của WTO. Để nhận được đánh giá này của WTO, trong quá trình đàm phán, Việt Nam luôn làm 2 việc là vừa trả lời hàng trăm câu hỏi vừa xây dựng các bảng chào pháp luật. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Việt Nam sẽ nhàn hơn vì vẫn còn rất nhiều việc phải làm sau khi gia nhập WTO như xây dựng hàng rào thuế quan như thế nào để thực sự “tự do thương mại”, luật đã ban hành phải được công bố cho dân chúng biết trong vòng 60 ngày và phải được thực thi. Còn đối với ngành tư pháp, việc gia nhập WTO đòi hỏi phải cải cách tư pháp mạnh mẽ để cải thiện chỉ số lòng tin của nhà đầu tư. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cung cấp cho phía bạn về một số giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này là tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp, đào tạo cấp tốc đội ngũ luật sư…
| |
Trao đổi với Đoàn công tác của Lào, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) Hoàng Phước Hiệp cho biết, vấn đề pháp luật trong đàm phán được Chính phủ Việt Nam giao hết cho Bộ Tư pháp, trước hết xuất phát từ thực tiễn là Bộ có nhiều chuyên gia pháp luật, có hệ thống cơ quan tư pháp địa phương, có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành đồng thời quản lý đội ngũ luật sư. Về hoạt động xây dựng chương trình, cam kết luật pháp, ông Hiệp khẳng định, việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000 là một bước tập dượt quan trọng của Việt Nam trước khi tham gia đàm phán gia nhập WTO. Với những kinh nghiệm tích luỹ được sau quá trình tiến hành rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam với yêu cầu của BTA, Việt Nam bắt tay rà soát với các quy định của WTO (khoảng 30.000 trang A4 điện tử, chưa kể các tham chiếu) rồi chia thành 5 nhóm và chọn lọc những nghĩa vụ cốt lõi của một thành viên WTO. Trên cơ sở báo cáo rà soát, Việt Nam đưa ra chương trình hành động lập pháp, các cam kết pháp luật song phương và đa phương theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Ông Hiệp thẳng thắn, Việt Nam cũng vướng mắc một số vấn đề trong cam kết với Hoa Kỳ và WTO về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, kiểm dịch động thực vật…
Hoàng Thư