Cần có giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác có hiệu quả tài sản là động sản

02/04/2008
Đó là “ghi nhận” bước đầu của chúng tôi khi tiến hành khảo sát, đánh giá quy mô và thực trạng giao dịch bằng động sản tại một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong các ngày 27 và 31/3/2008.
1. Thực trạng
- Tại 12 doanh nghiệp là đối tượng khảo sát, chúng tôi được biết, động sản (máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông cơ giới, quyền đòi nợ, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng…) hiện có giá trị rất lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp (ví dụ như: Công ty cổ phần Hoàng Kim tại TP Hồ Chí Minh có giá trị của máy móc, thiết bị trên tổng tài sản của doanh nghiệp là 20/25 tỷ đồng hay tại Công ty cổ phần sản xuất xuất nhập khẩu dệt may Đà Nẵng thì động sản chiếm 30% trên tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp là 200 tỷ đồng). Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp có thể huy động được vốn thông qua việc dùng động sản để bảo đảm cho việc vay vốn tại ngân hàng. Nguyên nhân là do ngân hàng chỉ “thích” nhận bảo đảm bằng bất động sản (IFC đánh giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chiếm tới 90% tài sản bảo đảm tại các ngân hàng của Việt Nam) và không muốn nhận bảo đảm bằng động sản với lý do khó định giá chính xác giá trị, cũng như chưa có nghiệp vụ quản lý tài sản bảo đảm là động sản.
- Đa phần các doanh nghiệp chưa áp dụng có hiệu quả quy định của pháp luật về giao dịch bằng động sản như: mua bán quyền đòi nợ, mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu hoặc bán có thỏa thuận chuộc lại đối với tài sản là động sản… Điều đó đồng nghĩa với hệ quả chính bản thân các doanh nghiệp cũng chưa biết cách để khai thác tốt giá trị của động sản. Chúng tôi nhận thấy, trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp, họ thường chỉ nghĩ đến các biện pháp bảo đảm truyền thống (cấm cố, thế chấp), trong khi pháp luật đã mở ra cho doanh nghiệp nhiều cách thức, biện pháp để khai giá trị tài sản là động sản. Như vậy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, chính các doanh nghiệp đã tự “trói tay” mình do chưa nắm vững các quy định của pháp luật về vấn đề này.
- Các doanh nghiệp đều mong muốn có đầy đủ thông tin về tình trạng pháp lý của động sản khi ký kết, thực hiện hợp đồng nhưng trên thực tế thì nguồn thông tin lại rất hạn chế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin về động sản là tài sản bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nhưng lại gặp khó khăn khi tìm hiểu các thông tin như: động sản được bầy bán tại đại lý thuộc sở hữu của chủ thể nào, có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể nào? Động sản là đối tượng của giao dịch có bị hạn chế quyền không (ví dụ như: bên bán được quyền chuộc lại động sản)…? Nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế đăng ký, công khai hóa thông tin về các giao dịch này.
- Pháp luật vẫn chưa có cơ chế tốt nhất để bảo vệ các doanh nghiệp trong quá trình khai thác giá trị của động sản, ví dụ như: thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Tòa án kéo dài, việc thi hành án để đòi lại động sản cho thuê, cho thuê tài chính, bán thông qua đại lý chưa tốt, bên nhận chuyển nhượng quyền đòi nợ không dễ dàng đòi được nợ; quyền và lợi ích hợp pháp giữa các chủ thể liên quan đến động sản chưa được giải quyết thỏa đáng… Thực tế đó đã cản trở các doanh nghiệp tăng cường khả năng khai thác giá trị của tài sản là động sản.
2. Giải pháp
- Để các doanh nghiệp khai thác tốt giá trị của động sản, trước hết, chúng ta cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, cụ thể là: phải giải quyết được thứ tự ưu tiên giữa các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản là động sản (giữa bên nhận bảo đảm với bên cho thuê, bên bán có bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận chuyển giao quyền đòi nợ, bên bán hàng thông qua đại lý…), đa dạng hóa các thông tin về tình trạng pháp lý của động sản thông qua cơ chế đăng ký các giao dịch, các quyền một cách đơn giản, minh bạch… Giải pháp này tuy không mới nhưng để thực hiện tốt thì cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá tổng thể về môi trường pháp lý - kinh doanh. Hệ quả thu được của giải pháp này là rất lớn, trong đó điều dễ nhận thấy là các doanh nghiệp sẽ thực sự “an tâm” khi ký kết, thực hiện các giao dịch về động sản.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ký kết, thực hiện các giao dịch bằng động sản, ví dụ như: quy định về chuyển giao quyền đòi nợ, quy định về mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu, bán có thỏa thuận chuộc lại… trong Bộ luật dân sự, Nghị định số 163/2005/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan. Nếu thực hiện tốt giải pháp này, Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp tự “cởi trói” do hiểu rõ và áp dụng có hiệu quả các quy định của pháp luật về nghĩa vụ và hợp đồng phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
- Tăng cường các hoạt động nhằm giúp ngân hàng và doanh nghiệp nâng cao nghiệp vụ, khả năng khai thác giá trị của động sản. Theo ý kiến của IFC thì một trong những yếu kém của ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam là năng lực khai thác giá trị của tài sản là động sản. Do vậy, theo chúng tôi, trong thời gian tới, các ngân hàng và doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa năng lực quản trị đối với tài sản là động sản (ví dụ: nghiệp vụ về định giá tài sản là động sản, nghiệp vụ quản lý, khai thác tài sản là động sản…).
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ) phải khai thác triệt để giá trị của là động sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Có như vậy, doanh nghiệp mới thực sự phát huy được tính hữu dụng của nguồn vốn, tránh tình trạng “đông cứng” như hiện nay. Đây là “ghi nhận” được chúng tôi rút ra từ hoạt động khảo sát do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp phối hợp với VCCI, Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ tiến hành với sự hỗ trợ của dự án STAR Việt Nam.
 
                                                Hồ Quang Huy - Cục Đăng ký QGGDBĐ