Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khai mạc Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4: Tăng cường hơn nữa tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại

08/04/2008
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường  khai mạc Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4: Tăng cường hơn nữa tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực dân sự và thương mại
Sáng ngày 8 tháng 4 năm 2008, tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn pháp luật các nước ASEAN do Bộ Tư pháp Việt Nam đăng cai tổ chức. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đến tham dự và phát biểu khai mạc.

 Trong Bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ với các đại biểu tham dự Diễn đàn những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam sau hơn 20 năm đổi mới và thực hiện chính sách hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là việc gia nhập WTO và ASEAN. Bộ trưởng cũng đề cập đến những thách thức đặt ra với Việt Nam - một đất nước đang trong quá trình hội nhập, chịu ảnh hưởng của các biến chuyển không thuận lợi của tình hình kinh tế toàn cầu và khu vực -  và khẳng định tính cấp thiết của những quyết tâm, nỗ lực và giải pháp đồng bộ của Chính phủ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, điều chỉnh chi tiêu tăng trưởng, đẩy mạnh chính sách tài chính tiền tệ, kiểm soát đầu tư công và chi tiêu hành chính, tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội... nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp về pháp luật và tư pháp đang được triển khai đồng bộ theo tinh thần của các Nghị quyết số 48/TWW - NQ về phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam tới năm 2010 và 49/TW-NQ của Bộ Chính trị về cải cách cải cách tư pháp đến năm 2020 .

 Nhấn mạnh hiệu quả và tầm quan trọng của chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam trong việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, thực hiện đầy đủ các cam kết song phương và đa phương với các tổ chức như WTO, ASEAN, Bộ trưởng nêu bật những thành tích quan trọng đã đạt được trong 13 năm hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Gần đây, việc Việt Nam đóng góp tích cực cùng với các nước ASEAN xây dựng và thông qua Hiến chương ASEAN và là nước thứ 5 phê chuẩn Hiến chương, theo Bộ trưởng, là một bước tiến quan trọng trong quá trình Việt Nam tham gia ASEAN cũng như quá trình hội nhập khu vực và quốc tế nói chung, góp phần mở ra giai đoạn hợp tác mới chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn giữa các nước Đông Nam Á, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Bộ trưởng khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa tinh thần và nội dung của Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên và cả ASEAN nói chung, góp phần vào hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

Sự hợp tác nhiều mặt trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch... đã đặt ra nhu cầu rất lớn đối với sự hợp tác chặt chẽ hơn, sâu sắc hơn về tư pháp và pháp luật. Bộ trưởng cho rằng thể chế pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN cần thực sự trở thành động lực và cơ sở cho sự hợp tác và phát triển bền vững của ASEAN trong thời gian tới. Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc  tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, đặc biệt là về tống đạt giấy tờ và hợp pháp hoá lãnh sự các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. Sáng kiến này đã được Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) lần thứ 6 thông qua vào năm 2005. Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 này chính là một bước nhằm hiện thực hoá các sáng kiến nói trên của Hội nghị ALAWMM.  “Những sáng kiến này có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy sự hợp tác bền vững về thương mại, đầu tư... giữa các nước ASEAN, và bởi vậy, chúng cần sớm được thống nhất và biến thành hành động cụ thể” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

 Kết thúc bài phát biểu khai mạc của mình, Bộ trưởng chia sẻ niềm tin rằng, với việc vận dụng linh hoạt "Phong cách ASEAN" trong tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau, hữu nghị và đồng thuận, Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 sẽ thành công tốt đẹp, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong hợp tác pháp luật và tư pháp của các nước ASEAN trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và  quốc tế.

Diễn đàn pháp luật ASEAN  được tổ chức trong 2 ngày, 8 và 9 tháng 4 năm 2008, với sự tham dự của đại diện các cơ quan tư pháp và pháp luật của 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các luật gia đến từ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay) và từ một số nước trong khu vực như Trung quốc, Ô-xtơ-rây-li-a . Về phía Việt Nam, có khoảng 60 đại biểu đến từ các cơ quan tư pháp và pháp luật của trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, Hội luật gia, các đoàn luật sư, các doanh nghiệp... Diễn đàn thể hiện sự mong muốn và quyết tâm của các nước thành viên ASEAN trong việc tìm kiếm và nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, với trọng tâm là từng bước xoá bỏ các rào cản pháp lý trong giao lưu dân sự, thương mại. Cụ thể, 02 nội dung chính liên quan tới miễn trừ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các nước ASEAN sẽ được thảo luận tại Diễn đàn này là: 1) hợp tác về tống đạt giấy tờ tư pháp của các nước thành viên ASEAN và 2) miễn hợp pháp hoá các giấy tờ khi thực hiện tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN. Nhằm triển khai các sáng kiến hợp tác này trên thực tế, các đại biểu của Diễn đàn sẽ  thể hiện quyết tâm, trí tuệ tập thể để thống nhất một hướng đi thích hợp nhất: 1) gia nhập Công ước đa phương/ thiết chế La Hay; hay 2) xây dựng công cụ pháp lý của riêng khu vực Đông Nam Á. Việc này  thực sự quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là  trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua Luật tương trợ tư pháp.  Kết quả của Diễn đàn sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN 7 tại Brunei Darussalam vào tháng 10 năm 2008. 

Đặng Hoàng Oanh