Sửa đổi Luật Quốc tịch: Hạn chế tình trạng không quốc tịch

10/04/2008
Trong hai ngày 8,9/4/2008 Nhà pháp luật Việt- Pháp phối hợp với Vụ Hành chính Tư pháp- Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo về “Dự thảo Luật quốc tịch”. Tại đây, các chuyên gia Pháp đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến để cùng các thành viên Tổ biên tập sớm hoàn thiện Dự thảo luật nói trên.

Tại Hội thảo, ông Trần Thất – Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp nhấn mạnh: hạn chế lớn nhất trong Luật Quốc tịch hiện nay là quy định nguyên tắc một quốc tịch. Nguyên tắc này trở nên hình thức vì việc công dân VN còn giữ hay đã thôi quốc tịch VN không phải do pháp luật VN yêu cầu mà do pháp luật nước ngoài quy định. Hiện nay một bộ phận khá lớn người VN định cư ở nước ngoài vừa có quốc tịch nước ngoài vừa có quốc tịch VN dẫn đến những tranh chấp trong việc bảo hộ công dân (vì không biết áp dụng pháp luật như thế nào). Nguyên tắc một quốc tịch cũng không phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người VN định cư ở nước ngoài, là dù xa tổ quốc nhưng vẫn thiết tha với quê hương và mong muốn không bị mất quốc tịch VN dù đã nhập quốc tịch nước sở tại. Dự thảo Luật Quốc tịch lần này sẽ sửa đổi theo hướng giữ nguyên tắc một quốc tịch nhưng sẽ có những “ngoại lệ” (dành cho các đối tượng là người VN định cư ở nước ngoài)

Một nội dung quan trọng khác trong Dự thảo Luật Quốc tịch là sẽ sửa đổi các quy định nhằm hạn chế tình trạng không quốc tịch ở nước ta. Thực tế là hiện nay số người không quốc tịch, không rõ quốc tịch cư trú trên lãnh thổ nước ta là rất nhiều, nhưng với quy định về thủ tục của Luật quốc tịch hiện hành thì việc nhập quốc tịch cho họ rất khó khăn và nhiều khi không thể. Bên cạnh đó việc hoạch định lại biên giới VN với các nước láng giềng thời gian qua cũng dẫn đến hệ quả là một bộ phận dân cư dọc biên giới tuy đã có cuộc sống ổn định nhưng lại chưa có quốc tịch VN. Lý do phần lớn trong số họ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ văn hoá thấp, và không có giấy tờ tuỳ thân để xác định quốc tịch. Thực tế này không chỉ gây khó khăn cho họ mà còn cho công tác quản lý của cơ quan cơ thẩm quyền. Do đó, việc sửa đổi Luật quốc tịch sẽ tháo gỡ cơ bản những vấn đề về thủ tục theo hướng đơn giản, thông thoáng để giúp việc nhập quốc tịch VN dễ dàng hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm với Tổ biên tập, bà Corine ARRAULT, Thẩm phán Vụ Dân sự và Ấn tín, Bộ Tư Pháp – CH Pháp đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật về quốc tịch Pháp, theo đó Luật này quy định những trường hợp cụ thể được nhập quốc tịch Pháp (như hưởng quốc tịch theo huyết thống, hưởng quốc tịch khi sinh ra tại Pháp hoặc có cha mẹ cũng sinh ra tại đây…), đặc biệt là trường hợp trẻ em sinh ra tại Pháp có cha mẹ là người nước ngoài được vào quốc tịch Pháp khi đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật, trong đó có điều kiện về thời gian cư trú. Chia sẻ những vấn đề này, chuyên gia Pháp hy vọng sẽ giúp VN có thêm kinh nghiệm để vận dụng trong quá trình sửa đổi Luật quốc tịch.

Thu Hằng