Toạ đàm Đào tạo cán bộ pháp luật trong ngành Tư pháp

15/10/2021
Toạ đàm Đào tạo cán bộ pháp luật trong ngành Tư pháp
Chiều 12/10, Văn phòng Bộ Tư pháp đã phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm Đào tạo cán bộ pháp luật trong ngành Tư pháp.

Tham dự Toạ đàm có T.S Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp; PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Luật sư, Thạc sĩ Luật học Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đầu vào

Nhận thức rõ vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong việc phát triển và nâng cao đội ngũ nhân lực cho Bộ, Ngành Tư pháp, ông Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, Vụ Tổ chức cán bộ đã luôn nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ về tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý công tác này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo hướng tạo điều kiện tối đa; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương pháp đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ chế thu hút, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức tham gia công tác xây dựng pháp luật, pháp chế…

Để nâng cao chất lượng cán bộ, ông Nguyễn Đỗ Kiên nêu ý kiến, cần đổi mới cơ chế thu hút, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên biệt hoá theo yêu cầu của vị trí việc làm, đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào thực sự có chất lượng, tuyển dụng những người có năng lực và được đào tạo bài bản; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài.

T.S Nguyễn Đỗ Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp.

Đối với Bộ, Ngành Tư pháp, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao đồng nghĩa với chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Bộ, Ngành được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu công việc ngày càng đòi hỏi chuyên sâu và phức tạp. Cán bộ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật đảm bảo quyền con người như pháp luật quốc tế, pháp luật hình sự, dân sự, thương mại, kinh tế…

Đây là những lĩnh vực pháp luật trực tiếp có tác động đến các quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người nói chung, của người dân nói riêng như quyền được sống, quyền được bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền được tự do thân thể…. Vì vậy, khi chất lượng cán bộ tư pháp được nâng cao thì chất lượng hệ thống pháp luật cũng được nâng cao, góp phần trực tiếp và to lớn vào việc đảm bảo cuộc sống cho người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho biết, từ năm 2013, Trường đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Như, từng bước mở rộng quy mô đào tạo kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo; đa dạng hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu của các bộ, ngành cũng như nhu cầu xã hội; hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đạt nhiều thành tích, có giá trị, có tính lan tỏa trong xã hội…

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Chiến lược phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đã xác định rõ phấn đấu đến năm 2030 Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cán bộ pháp luật cho ngành Tư pháp nói chung, Bộ Tư pháp nói riêng, bà Vũ Thị Lan Anh chia sẻ, đổi mới mang tính đột phá của Trường tập trung vào 03 yếu tố.

Cụ thể, về chương trình đào tạo, Trường sẽ tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng hiện đại và hội nhập, đáp ứng nhu cầu của người học và người sử dụng lao động trong ngành tư pháp. Cán bộ Bộ Tư pháp và ngành tư pháp được mời tham gia rà soát chương trình đào tạo hiện hành, xây dựng chương trình mới. Về đội ngũ giảng viên, chất lượng giảng viên cần đảm bảo ở cả 2 giai đoạn: tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng trong quá trình giảng dạy. Về phương pháp giảng dạy, ngoài các phương pháp truyền thống như thuyết trình, thảo luận, làm việc nhóm, các phương pháp giảng dạy luật tiên tiến trên thế giới như phương pháp tranh biện (Socrates), phương pháp đóng vai (diễn án) sẽ được nhân rộng và áp dụng rộng rãi.

Luật sư, Thạc sĩ Luật học Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Nhấn mạnh nghề Luật sư sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong xã hội, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, xã hội càng phát triển, nền kinh tế càng đạt đến trình độ cao hơn thì những mâu thuẩn trong xã hội càng phức tạp và tinh vi và đòi hỏi của khách hàng và công việc đối với Luật sư càng cao hơn, phức tạp hơn, nên chất lượng Luật sư càng cần phải được cải thiện hơn rất nhiều.

Đào tạo Luật sư càng có sự khác biệt với các lĩnh vực khác, bởi trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, triết lý xây dựng và áp dụng pháp luật bị thay đổi trong thời gian rất ngắn, trình độ phát triển của xã hội và nền kinh tế cũng đi lên hàng ngày. Do đó, việc đào tạo Luật sư phải là hoạt động đào tạo liên tục, thường xuyên, chứ không thể dừng lại ở một khóa học nhất định.

Đặc biệt, theo ông Hà Huy Phong, các khóa đào tạo Luật sư nên và cần thiết kế theo hướng bổ sung các kinh nghiệm quốc tế, chú trọng hơn và các kĩ năng có tính phương pháp như phương pháp lập luận, phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, phương pháp phản bác ý kiến, phương pháp trình bày. Đây là những yếu tố nền tảng giúp học viên có thể tiếp tục tự hoàn thiện bản thân bằng việc tự học kiến thức bổ sung trong quá trình làm việc.

Thanh Trà

baophapluat.vn